Campuchia 30 năm vực dậy từ tro tàn

10:46, 06/01/2009

Campuchia, hôm nay (7/1), tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot với quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của trên 80.000 người.

Ban tổ chức lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 7/1 cho hay, lễ kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng diễn ra tại sân vận động quốc gia Olympic với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong Chính phủ, Hoàng gia, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và khách quốc tế.

 

Tại lễ kỷ niệm sẽ có cuộc diễu hành lớn của các đoàn đại biểu, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đến từ các cơ quan, ban, ngành và đại diện của 24 tỉnh thành trên cả nước.

 

Đoàn đại biểu của CPP với quốc kỳ của 88 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Campuchia sẽ diễu qua lễ đài.

 

Quan chức cấp cao CPP cho hay, ngày 7/1 có ý nghĩa về cùng trọng đại đối với toàn thể nhân dân Campuchia. Chiến thắng ngày 7/1 đã đưa Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, khép lại một thời kỳ đen tối và mở ra một trang sử mới độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ, ổn định và phát triển xã hội.

 

Những cánh đồng chết

 

Theo thống kê của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, hơn 2 triệu người đã thiệt mạng vì đói rét và bị giết hại dã man; gần 6.000 trường học, 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ bị phá huỷ hoặc biến thành nơi giam giữ những người vô tội.

 

Tại Choeung Ek, một trong những cánh đồng chết, hiện nay, 8.000 chiếc đầu lâu được xếp ở nơi từng là một vườn cây ăn quả chỉ cách Phnom Penh vài cây số. Thậm chí ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng cũng được Khmer Đỏ dùng làm nơi tàn sát.

 

Nhà tù tàn ác nhất ở Campuchia, khi đó được gọi là S-21, giờ là Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng. 290 hộp sọ được trưng bày ở đó từng được xếp theo hình dáng của đất nước Campuchia.

 

S21 có diện tích 600 x 400m, gồm 4 dãy nhà chính và một số ngôi nhà xung quanh, vốn là trụ sở, phòng tra hỏi và tra tấn tù nhân của chính quyền Khmer Đỏ. Năm 1962, S21 vốn là trường trung học Ponhea Yat.

 

Đến thời kỳ chế độ Lon Nol, một chế độ cộng hoà được chính phủ Mỹ hậu thuẫn vào những năm 1970, trường được đổi tên thành Trường trung học Toul Svay Prey. Đến tháng 5/1976, trường được chính quyền Khmer Đỏ biến thành nhà tù với tên gọi Nhà tù an ninh S21.

 

Trong thời gian 4 năm Khmer Đỏ cầm quyền (1975-1979), nhà tù này đã giam giữ hơn 10.000 người, gồm nhiều quốc tịch như: Việt Nam, Lào, Thái, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ... nhưng phần lớn là người Campuchia.

 

Những người tù bị giam giữ tại đây thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ công nhân, nông dân cho tới giáo viên, giáo sư và thậm chí là viên chức ngoại giao. Toàn bộ thân quyến của tù nhân, bao gồm cả trẻ sơ sinh cũng bị giam giữ tại nhà tù này. Số người sống sót tại đây chiếm chưa đầy một nửa.

 

Cũng trong ngày trọng đại, một nhóm nhà nhiếp ảnh Campuchia sẽ trưng bày 150 bức ảnh phản ánh hiện thực kể từ sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ ngày 7/1/1979 tới ngày nay.

 

Keo Nuon, Tổng thư ký Hiệp hội Nhiếp ảnh Campuchia nói: "Triển lãm ảnh của chúng tôi thể hiện những thành tựu mà CPP đã đạt được kể từ ngày đầu tiến vào Phnom Penh đến nay. Đây cũng là thông điệp nhắc nhở những người sống sót nhớ tới lịch sử".

 

30 năm đất nước hồi sinh

 

Bắt đầu từ sau chiến thắng lịch sử 7/1/1979, dưới sự lãnh đạo của CPP, dân tộc và nhân dân Campuchia đã hồi sinh và đã làm hết sức mình để khắc phục mọi khó khăn và trở ngại do các chế độ trước đó để lại để xây dựng một tương lai mới và lâu dài.

 

Trong 30 năm qua, nhân dân Campuchia đã phục hồi và phát triển tất cả các lĩnh vực và khu vực, nhất là giải quyết nạn đói trong thời gian 1979 - 1980, hậu quả mà chế độ Pol Pot để lại; từng bước phát triển nền kinh tế đáp ứng những nhu cầu của nhân dân.

 

Đến nay, GDP của Campuchia đạt 8,4 tỷ USD/năm; bình quân đầu người 589 USD/năm; tỷ lệ người nghèo giảm từ 35% năm 2004 xuống còn 31% năm 2007. Chính phủ Campuchia phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người 1.000USD vào năm 2015. 

 

Vị thế của Campuchia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.