Người Việt ở Nga làm hàng Tết

10:09, 24/01/2009

Mùa đông năm nay thời tiết không thuận cho việc buôn bán, nhiều người Việt ở Nga buôn hàng áo rét chuyển sang làm hàng Tết.

Mặt hàng phục vụ cho Tết chỉ chạy độ 30 ngày, rộ nhất vào hai tuần cuối năm, chấm dứt vào ngày 27/12 vì người bán lẻ lúc đó chỉ còn 2 ngày để xả hàng. Bởi vậy, việc buôn bán trở thành cuộc tranh đua quyết liệt, thành bại chỉ trong gang tấc.

Hàng Tết được hiểu là các loại áo phụ nữ. Hoàn toàn không có trang phục dành cho nam giới. Thói quen ăn mặc của phụ nữ Nga có điểm khác với người Việt. Trừ những người có thu nhập khá trở lên chỉ mua hàng hiệu tại các cửa hàng có tiếng, phần đông phái đẹp xứ Bạch dương mua váy áo ở chợ, nhất là ở các tỉnh lẻ. Chợ Vòm là đầu mối phân phối cho cả Liên bang Nga.

Hàng Tết không phải là loại hàng đắt tiền, nhưng nhất thiết phải hợp thời trang, bắt mắt. Những bộ váy áo năm mới chỉ được trưng diện vài ba bận, sau đó cất kỹ trong tủ, không dùng vào các dịp khác hoặc “tái sử dụng” vào năm sau.

Vòng quay của “hàng mốt” tại chợ Vòm diễn ra rất nhanh. Chị Ly, chủ xưởng may kiêm tạo mẫu, cho biết: “Bình thường, mỗi tuần tôi thay một mẫu áo, đôi khi một tuần hai, ba mẫu. Nhưng hàng Tết thì khác, mỗi ngày một mẫu, thậm chí trong một ngày có thể tung ra ba, bốn mẫu. Mẫu nào ăn khách buổi sáng thì buổi chiều may tăng số lượng, may tiếp cho ngày hôm sau. Nhưng hiếm khi một mẫu kéo được ba ngày dù đẹp đến đâu”.

Công đoạn thiết kế mẫu chưa được chuyên nghiệp lắm. “Nhà tạo mẫu” phác thảo ý tưởng trong đầu, đi mua mẫu vải ở chợ Ấn Độ, chợ Thổ Nhĩ Kỳ, ghép lại rồi nhờ một người mẫu nghiệp dư khoác vào. Vài người ngồi lại với nhau trao đổi ý kiến về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng. Nếu được thì mẫu được chuyển xuống xưởng, thợ cả lên khuôn, chuyển cho thợ cắt, rồi các tay máy guồng suốt đêm để trước 6 giờ sáng tập trung ở điểm giao hàng. Từ đây những “nhà phân phối” ở chợ Vòm tung đi các địa phương.

Theo lời chị Ly, thông thường 10 mẫu thì có 2-3 mẫu “chết”. Đối với hàng Tết, mẫu nào bị chê thì coi như bỏ hẳn, hạ giá xuống bao nhiêu cũng không bán được. Bởi vậy, nếu chị cảm thấy chưa an tâm về một mẫu nào đó thì chỉ cho ra một ít sản phẩm có tính chất thăm dò. Mẫu ăn khách cũng chỉ sống được ở chợ Vòm đến ngày thứ hai, vì đến ngày thứ ba hàng đã ngập tận cổ. Bởi vậy, khâu giữ bí mật mẫu mã quyết định sự thành bại. Hàng “độc” chỉ giao cho những khách hàng “trung tín”, những người khác dù trả giá cao và đặt tiền trước cũng bị khước từ.

Chị Ly tiết lộ phương thức tránh “đụng hàng” là chuẩn bị vật liệu từ hai tháng trước, phán đoán chất vải, màu sắc hợp thị hiếu của đợt hàng Tết năm nay. Sau đó tung vốn “ôm” hết lô vải, phụ kiện như cúc, hạt cườm, dây kim tuyến.

Phán đoán sai coi như thua cuộc vì số vải và phụ kiện này rất khó sử dụng để may trang phục “hậu Tết” hoặc hè. Nếu vốn ngắn cũng khó thành công. Một khi đã nắm trong tay vị thế chủ động về nguyên liệu thì có thể tạm yên tâm về bí mật mẫu mã. Các đối thủ cạnh tranh nếu muốn bắt chước mẫu cũng không xoay kịp nguyên liệu cùng chủng loại, màu sắc. Khi họ có những thứ cần thiết thì thời vụ đã gần hết và mẫu đã được đổi.

Đợt hàng Tết dương lịch năm nay kém sôi động so với mọi năm do khủng hoảng. Túi tiền của người Nga không rủng rẻng như hồi nào, họ ít mua sắm quần áo hơn, khoản chi chính được dành cho lương thực, thực phẩm. Nhưng ít chứ không phải ngừng mua sắm. Một số bà con ở chợ Vòm cho biết hàng đẹp, độc đáo vẫn bán rất chạy. Trúng một tháng hàng Tết có thể bù cho 11 tháng khốn khó trong năm.

Cơn khủng hoảng kinh tế ở Nga có thể coi như một kiểu sàng lọc đối với cộng đồng Việt. Trong khi nhiều xưởng may hoạt động cầm chừng, nhiều bà con buôn bán chỉ mong gỡ vốn thì những người có đầu óc nhanh nhạy, chịu khó tìm tòi lại có cơ hội vươn lên.