Nhật Bản: Suy thoái kinh tế đe dọa nội các

10:21, 11/01/2009

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ tác động mạnh lên nền kinh tế Nhật Bản, làm lung lay hệ thống tài chính lớn thứ 2 thế giới này mà còn khiến những bế tắc trên chính trường nước này thêm phức tạp. 

Bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) cũng như làn sóng phản đối của phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Ta-rô A-xô từ chức - giữa lúc uy tín chính trị của ông sụt giảm xuống mức thấp nhất (chỉ còn 20%) sau chưa đầy 4 tháng cầm quyền - đang có nguy cơ đẩy chính trường Nhật Bản vào vòng xoáy bế tắc, đe dọa chiếc ghế quyền lực của Thủ tướng T. A-xô.

 

Trong bối cảnh đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nội bộ LDP cũng như từ đảng Dân chủ Nhật Bản (DJP) đối lập, ngày 10-1 vừa qua, Thủ tướng T. A-xô đã một lần nữa khẳng định sẽ không giải tán Hạ viện để tiến hành bầu cử sớm và tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị để thực hiện mục tiêu thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần hai của năm tài khóa 2008 với tổng số tiền lên tới 5.540 tỷ yên (khoảng 59 tỷ USD), cùng với những biện pháp giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nền kinh tế Nhật Bản thời gian qua, dưới sự điều hành của Thủ tướng T. A-xô không những không được cải thiện mà còn tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Dưới tác động của cơn bão tài chính toàn cầu, nhiều đại gia Nhật Bản đã bị đánh gục; đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất kể từ những năm 1990. Không chỉ vậy, những chính sách khôi phục kinh tế của Thủ tướng T. A-xô được cho là không hiệu quả đã vấp phải sự phản đối của cả những thành viên trong đảng cầm quyền LDP. Đây là một trong những thách thức lớn với Thủ tướng T. A-xô hiện nay.

 

Thực tế cho thấy, khi chọn ông T. A-xô vào vị trí Chủ tịch LDP tháng 9 năm ngoái, cùng với chức vụ này là chiếc ghế Thủ tướng, LDP hy vọng nhà chính trị giàu kinh nghiệm này sẽ vực dậy uy tín của đảng đang giảm sút thảm hại dưới sự điều hành của người tiền nhiệm, ông Y. Phư-cư-đa, đồng thời vực dậy nền kinh tế Nhật Bản. Song gần 4 tháng trôi qua nhanh chóng, ông T. A-xô đã không làm được gì nhiều. LDP vẫn chỉ là một tập hợp lỏng lẻo và số người thất nghiệp ở Nhật Bản không  ngừng tăng.

 

Nhìn vào chính trường Nhật Bản hiện nay, một số nhà phân tích ví ông T. A-xô như một phi công không kiểm soát được máy bay mình đang lái. Khả năng mất quyền lực của LDP tại Quốc hội trong bối cảnh hiện nay là có thể, bởi các chính sách thúc đẩy kinh tế của Chính phủ đang rơi vào tình trạng bấp bênh. Trong khi đó, phe đối lập luôn cho rằng, chỉ thay đổi chính quyền mới có thể thoát khỏi tình trạng kinh tế hiện nay; đồng thời kiên trì kêu gọi Thủ tướng từ chức.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng T. A-xô tiếp tục khẳng định không từ chức. Ông cũng kêu gọi người dân Nhật giữ vững tinh thần để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản cũng thừa nhận tình trạng "ốm yếu" của kinh tế Nhật Bản và việc chính phủ chi hàng nghìn tỷ yên để giải cứu các ngân hàng cũng chỉ là "muối bỏ biển" và chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.