Ngày 10/2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu chuyến thăm 8 ngày đến Arập Xêút và bốn nước châu Phi nhằm thúc đẩy hợp tác và đầu tư cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.
Phát biểu trước khi lên đường, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nước đông dân nhất thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng cho biết Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với Arập Xêút, nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Trao đổi thương mại của Trung Quốc với Arập Xêút đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005, đạt 41,8 tỷ USD trong năm 2008, chủ yếu trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Tuần trước, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trại Quân cho biết hai bên có thể ký kết một số thỏa thuận về năng lượng nhân chuyến thăm này.
Sau 3 ngày thăm Arập Xêút, ông Hồ Cẩm Đào sẽ tới
Thời gian qua, việc Trung Quốc nhắm đến các nguồn năng lượng của các nước châu Phi khiến cả thế giới quan tâm. Tuy nhiên, ông Trại Quân nhấn mạnh mục đích chính của chuyến thăm châu Phi lần thứ 4 kể từ khi nhậm chức năm 2003 của ông Hồ Cẩm Đào không phải là vấn đề năng lượng. Bà Khương Du cũng cho biết lượng dầu châu Phi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn không bằng vào Mỹ và châu Âu.
Một số chuyên gia về châu Phi và chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc và Mỹ nhận định, việc ông Hồ Cẩm Đào chọn đến thăm các nước nhỏ và không nhiều dầu mỏ nói trên cho thấy Trung Quốc không dừng lại ở hợp tác năng lượng mà sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các nước này.
Trong thập kỷ qua, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng mạnh nhờ nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về dầu mỏ và các sản phẩm khai khoáng của châu Phi, cũng như nhu cầu của châu lục này đối với xe hơi, hàng dệt may, viễn thông và các hàng hóa giá rẻ khác của Trung Quốc. Năm 2008, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 106,8 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2007.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào coi quan hệ bền vững với châu Phi là nét nổi bật trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Năm 2006, Bắc Kinh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với châu Phi và cam kết thúc đẩy thương mại và trợ giúp cho châu lục này. Trung Quốc cũng đã hoãn một phần nợ cho các quốc gia nghèo nhất châu Phi và dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của các nước này.