Hơn 140 triệu người có thể rơi vào cảnh bần cùng và 23 triệu người khác mất việc tại châu Á trong năm nay, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kết quả một nghiên cứu công bố hôm nay (18/2) cho thấy.
Cuộc khủng hoảng có thể làm chậm dòng chảy di cư từ nông thôn ra thành thị. Không ít người hiện phải đối mặt với viễn cảnh quay lại các công việc đồng áng, do nhiều nhà máy và công ty sa thải bớt lao động, báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết.
Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, các nước trong vùng buộc phải sử dụng các gói kích thích tài chính như một chiếc lưới an toàn để ngăn chặn bất ổn xã hội bùng phát, các quan chức ILO nhận xét.
Theo báo cáo của ILO, "sự gia tăng mạnh mẽ về số người rơi vào cảnh bần cùng trong năm 2009 được tính toán dựa vào viễn cảnh trên. Nó cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở lại với tỷ lệ bần cùng hồi năm 2004. Các dự đoán trên không chỉ là những con số, mà nó còn nêu bật những hiểm hoạ thực sự, trong đó, trẻ em sẽ buộc phải bỏ học để đi làm và giúp đỡ cho gia đình".
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực trong quá khứ không tương xứng với sự gia tăng của lương thực tế và dẫn tới sự bất bình đẳng sâu sắc ở nhiều nước, báo cáo của ILO nhận xét.
Giám đốc khu vực của ILO là Sachiko Yamamoto lưu ý, tình huống như vậy sẽ nhanh chóng phát triển thành khủng hoảng việc làm và xã hội.
"Những tác động của nó có thể cảm nhận được một cách sâu sắc ở cả những quốc gia công nghiệp hoá và đang phát triển tại châu Á", bà Sachiko nói với các nhà lập pháp tới từ 11 nước trong một cuộc họp ở
"Viễn cảnh trên là thực tế. Do vậy, các đối tác xã hội nên được có mặt trong các cuộc thảo luận chính sách để đảm bảo rằng những người dễ bị ảnh hưởng, dễ tổn thương nhất nhận được sự quan tâm.
Công nhân di cư với hợp đồng ngắn hạn cũng như những phụ nữ làm việc trong nhà máy, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng", Giám đốc khu vực của ILO nói. "Từ Ấn Độ tới Trung Quốc, một lượng lớn lao động di cư nội địa đã mất việc làm, tạo ra làn sóng di cư ngược về các vùng quê để tìm việc".
Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đặc trách phát triển bền vững, Ursula Schaefer-Preus, cho biết, bất cứ một gói kích thích nào cũng nên gồm cả tạo việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết giúp ích cho người nghèo.