Ngoại trưởng mỹ thăm châu Á: Khởi động chiến lược ngoại giao mới

10:07, 16/02/2009

Ngay khi đặt chân tới Nhật Bản ngày 16/02 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 4 quốc gia châu Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc) từ 16 đến 22/02, tân Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri đã nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật; khẳng định mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cùng các bên liên quan trong các cuộc đàm phán; đồng thời sẽ tiến hành một loạt cuộc gặp và hội đàm với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản.  

Việc Ngoại trưởng Hi-la-ri chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này là dấu hiệu cho thấy Oa-sinh-tơn muốn khẳng định rằng, Nhật Bản vẫn là đồng minh chiến lược hàng đầu của Mỹ tại châu Á.

 

Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Hi-la-ri diễn ra giữa lúc quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên cũng như những căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác không thể thiếu trong tiến trình đàm phán sáu bên. Vì thế, bà Hi-la-ri muốn qua chuyến thăm tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật - Hàn; đồng thời tiếp tục nhận được sự hợp tác của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của chính quyền B. Ô-ba-ma.

 

Điểm khác biệt trong chuyến thăm châu Á của bà Hi-la-ri lần này là chặng dừng chân tại In-đô-nê-xi-a. Không đơn giản là nơi Tổng thống B. Ô-ba-ma từng trải qua 4 năm thời thơ ấu vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, chuyến thăm của bà Hi-la-ri tới quốc gia Hồi giáo lớn nhất và đông dân thứ tư thế giới này đã chứng tỏ tham vọng trong chính sách ngoại giao mới của Tổng thống B. Ô-ba-ma với các nước Hồi giáo. Hơn nữa, thông qua chuyến thăm này bà Hi-la-ri muốn phát đi tín hiệu rằng, chính quyền  B. Ô-ba-ma đã sẵn sàng thúc đẩy hơn nữa các quan hệ với các nước ASEAN.

 

Việc Ngoại trưởng Hi-la-ri chọn Trung Quốc là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm không có nghĩa Oa-sinh-tơn "coi nhẹ" quan hệ với Bắc Kinh. Nói như Ngoại trưởng Hi-la-ri trước chuyến thăm, đây là cách tiếp cận mới của Oa-sinh-tơn trong quan hệ với Bắc Kinh bằng cách tăng cường đối thoại song phương. Nhà Trắng sẽ không đi theo đường lối trước đây của chính quyền G. Bu-sơ khi coi Trung Quốc là một đối thủ chứ không phải đối tác. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

 

Khác với những người tiền nhiệm, chuyến công du châu Á đầu tiên trong 60 năm qua của một tân ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện rõ chiến lược ngoại giao mới của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma. Qua chuyến thăm, Mỹ không chỉ muốn chứng tỏ với thế giới một chính sách ngoại giao mới - ít đối đầu hơn ở châu Á - mà còn khẳng định mong muốn tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng ở khu vực quan trọng này. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn thể hiện cam kết mới của Mỹ trong việc phối hợp với các nhà lãnh đạo châu Á trong "những vấn đề mà không một quốc gia nào có thể xử lý một mình" được; đồng thời cho thấy vai trò ảnh hưởng không thể thiếu của châu Á trong chính sách phát triển kinh tế của Mỹ. Dư luận thế giới đang chờ đợi những bước đi tiếp theo của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma sau những động thái mới trong chính sách ngoại giao chiến lược này.