Chính phủ Séc bị hạ bệ

08:04, 24/03/2009

Chính phủ trung hữu của CH Séc đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 24/3, giữa lúc nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.

Bốn nghị sĩ "nổi loạn" đã về phe với đảng Dân chủ xã hội và đảng Cộng sản đối lập để bỏ phiếu chống lại Thủ tướng Mirek Topolanek. Ông Topolanek tuyên bố sẽ từ chức, nói rằng ông tin vị thế của Séc tại châu Âu sẽ bị suy yếu.

 

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tin tưởng rằng CH Séc sẽ tiếp tục vai trò chủ tịch EU một cách có hiệu quả.

 

Lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội đã nói trước cuộc bỏ phiếu rằng chính phủ "có thể hoàn tất vai trò chủ tịch EU hoặc một phần lớn của nhiệm kỳ làm chủ tịch này". Tuy nhiên, ông Topolanek đã loại trừ khả năng về một chính phủ tạm quyền cho tới tháng 6, khi chức chủ tịch EU được chuyển giao cho Thụy Điển.

 

Theo hiến pháp, Tổng thống Séc Vaclav Klaus phải chọn người để thành lập chính phủ mới. Nếu ba lần làm như vậy thất bại, các cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được kêu gọi.

 

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện hôm 24/3 được tiến hành sau khi có những lời cáo buộc rằng một trong các cố vấn của Thủ tướng Topolan

 

Phe đối lập cũng đổ lỗi cho chính phủ về quản lý kinh tế yếu kém và chỉ trích các cuộc cải cách, trong đó có cải cách thuế thu nhập, hệ thống y tế và cắt giảm ngân sách. So với một số nước Đông Âu khác, Séc ít bị ảnh hưởng hơn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và không có ngân hàng nào của nước này cần cứu trợ.

 

Liên minh của ông Topolanek chỉ chiếm 101 ghế trong Hạ viện 200 thành viên. Nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ được thông qua sau khi bốn thành viên trước đây trong liên minh của ông Topolanek - những người đã trở thành các nghị sĩ độc lập - ủng hộ phe đối lập.

 

Hậu quả của cuộc bỏ phiếu trên có thể ảnh hưởng vượt quá biên giới Séc. Ngoài việc làm Chủ tịch EU, Séc cũng đang trong thời kỳ phê chuẩn Hiệp ước Lisbon và đang đàm phán với Mỹ về đặt một trạm radar của hệ thống tên lửa phòng thủ Đông Âu trên đất Séc.