Mỹ công bố kế hoạch 1.000 tỷ USD mua tài sản xấu

13:16, 23/03/2009

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vừa công bố chi tiết của bản kế hoạch mua các tài sản xấu trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm giúp điều chỉnh các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. 

Chương trình PPIP (Public-Private Investment Programme) sẽ mua lại các tài sản của các ngân hàng có liên quan tới địa ốc và nợ nhà dưới tiêu chuẩn. Chính quyền liên bang sẽ đảm bảo phần lớn số nợ, trong khi các nhà đầu tư tư nhân với một phần nhỏ tiền sẽ đứng ra quản trị các loại đầu tư bị nhiễm độc này.

 

Ngay sau thông tin trên, các chỉ số trên Phố Wall tăng tới 7%.

 

Chỉ số Dow Jones tăng gần 500 điểm, tức 6,8% tại phiên đóng cửa, đạt 7.775 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 7,1%, tương đương 54 điểm, đạt 823 điểm. Các cổ phiếu công nghệ trên sàn Nasdaq phiên kết thúc tăng 6,8%, tức 99 điểm, đạt mức 1.556.

 

"Những biện pháp mà chúng ta đang thực hiện... rất hữu ích trong việc lau rửa cát bụi khỏi thiết bị" bám trên hệ thống tài chính, trích lời ông Alan Gayle thuộc Ridgeworth Investments.

 

"Chặng đường dài phía trước"

 

Tổng thống Barack Obama nói quyết định trên là một bước tiến mang tính sống còn. "Tin tốt là chúng ta có một yếu tố quan trọng nữa trong quá trình phục hồi", ông nhấn mạnh. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài phải vượt qua".

 

Bộ Ngân khố Mỹ khẳng định, kế hoạch trên sẽ giúp hệ thống tài chính phục hồi.

 

Các ngân hàng Mỹ vẫn nắm giữ nhiều tài sản liên quan tới thế chấp mà không thể định giá hoặc bán. Việc có quá nhiều cái gọi là tài sản xấu trong sổ sách đã hạn chế khả năng cho vay, khiến cho hệ thống tài chính bị đóng băng và đẩy nền kinh tế rơi sâu hơn vào suy thoái.

 

Kế hoạch chi tiết

 

Biện pháp này là tối ưu đối với các lựa chọn: hoặc hy vọng các ngân hàng bớt dần các tài sản xấu ra khỏi danh sách hoặc chính phủ trực tiếp mua chúng", Bộ Ngân khố cho hay.

 

Khoảng 75 tỷ USD tới 100 tỷ USD sẽ được lấy từ Chương trình Giải cứu Tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỷ USD của Bộ Ngân khố vốn đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

 

Để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào chương trình, các đảm bảo và các khoản cho vay lãi suất thấp sẽ được cung cấp cho họ thông qua Tập đoàn Bảo hiểm Tài khoản ký thác liên bang (FDIC).

 

Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân, các nhà đầu tư cá nhân, các hãng bảo hiểm và kế hoạch lương hưu sẽ gánh vác một chút ít rủi ro trong khi chính phủ đảm nhận tới 93%. Hiện một số quỹ hưu trí hàng đầu đã tỏ dấu hiệu muốn đầu tư vào chương trình.

 

Các nhà phân tích hoan nghênh quyết định trên của Chính phủ Mỹ nhưng nói rằng còn hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.

 

Theo Paul Ashworth, một nhà kinh tế thuộc Capital Economics, thành công của chương trình phụ thuộc vào sự tự nguyện tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.