Nga mạnh tay chống khủng hoảng

09:04, 15/03/2009

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố Chính phủ Nga sẵn sàng dành khoản chi ngân sách lớn chưa từng có nhằm thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng trong năm 2009.

Cụ thể, theo Thủ tướng Putin, Chính phủ Nga sẽ sử dụng gần 3.000 tỷ rúp (85 tỷ USD) trong tổng số 8.000 tỷ rúp của Quỹ Dự phòng liên bang để trang trải thâm hụt ngân sách 2009.

 

Như vậy, Chính phủ Nga không những không giảm bớt mà sẽ tăng các khoản chi để thực hiện chính sách ưu đãi và bảo hiểm xã hội.

 

Sở dĩ Nga phải mạnh tay chống khủng hoảng là do trong mấy tháng gần đây, khủng hoảng tài chính đã khiến Nga liên tục phải đối mặt với những thử thách lớn.

 

Việc giá dầu giảm mạnh cộng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian qua đã tác động tiêu cực, đẩy kinh tế Nga đang rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

 

Ngân hàng Trung ương Nga tính toán, các công ty và ngân hàng của nước này riêng trong năm nay phải trả 128 tỷ USD tiền nợ.

 

Khủng hoảng trầm trọng tới mức, ngay cả các tỷ phú lừng danh của nước Nga cũng đã tỏ ra tuyệt vọng về tình trạng nợ nần của mình tới nỗi, tháng 1 vừa qua, một nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp kim loại của Nga đã tới điện Kremlin để đưa ra một đề xuất khó tin.

 

Trong cuộc gặp với Tổng thống Dmitri Medvedev, họ đề xuất hợp nhất tài sản của họ, trong đó có những mỏ quặng và nhà máy lớn nhất nước Nga, thành một tập đoàn nhà nước. Đổi lại, Chính phủ giúp họ trả nợ cho các ngân hàng Tây Âu.

 

Thời gian qua, sản lượng công nghiệp của Nga đã giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng; lạm phát, giá cả tăng trong khi đồng Rúp liên tục mất giá so với đồng USD và đồng EUR.

 

Nga đã mất khoảng 200 tỷ USD trong quỹ dự trữ của mình để cứu không cho đồng Rúp giảm giá quá nhanh. Lượng ngoại hối giúp Nga chống đỡ suy thoái kinh tế đang cạn kiệt và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vừa đưa ra phân tích cho rằng, dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ cạn kiệt nếu khủng hoảng tài chính kéo dài đến năm 2010.

 

Cơ quan đánh giá quốc tế Fitch hồi đầu tháng 2/2009 đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga và giữ nguyên đánh giá "tiêu cực" về triển vọng kinh tế Nga. Đánh giá này của Fitch cho thấy rõ mức độ khó khăn của nền kinh tế nước này.

 

Trước đó, tháng 12/2008, cơ quan dịch vụ tư vấn đầu tư Standard and Poor"s cũng đưa ra quyết định tương tự, trở thành tổ chức đầu tiên hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga trong một thập kỷ qua.

 

Trước tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ Nga vừa buộc phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2009.

 

Theo đó, những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được điều chỉnh như: giá dầu mỏ trung bình trong năm là 41 USD/thùng (thay vì mức giá dự tính trước đó là 50 USD/thùng), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,3% (từ mức tăng dự kiến 2,4% xuống còn 2,1%), tỷ lệ lạm phát ở mức 13%, tỷ giá Rúp/USD vào khoảng 35,1/1 và mức thâm hụt ngân sách chiếm 5% GDP.