Lãnh đạo phe đối lập của Pakistan Nawaz Sharif đã chống lại lệnh quản thúc tại gia vào hôm 15/3 để tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ. Các cuộc biểu tình này đã nhanh chóng biến thành bạo lực khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát.
Cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống Zardari và lãnh đạo đối lập Sharif có nguy cơ làm cho chính phủ Pakistan tê liệt và ảnh hưởng tới cuộc chiến chống Taliban ở dọc biên giới với Afghanistan.
Hàng trăm cảnh sát đã bao vây nhà của cựu Thủ tướng Sharif tại Lahore trước rạng sáng ngày 15/3. Ông Sharif đã lên án lệnh quản thúc ông 3 ngày là bất hợp pháp và sau đó đã rời nhà cùng với hàng chục xe chở người biểu tình.
Đám đông đi theo đoàn xe nói trên đã đập phá cửa sổ của các xe buýt dọc đường đi. Những người khác thì đốt lốp xe, khiến những cột khói đen bốc lên ngùn ngụt. "Đây là giờ phút quyết định. Tôi nói với mọi thanh niên Pakistan rằng đây không phải là lúc ở nhà. Pakistan đang kêu gọi các bạn tới và cứu tôi", ông Sharif nói với những người ủng hộ trước khi ông vào xe ôtô riêng.
Rao Iftikhar, một quan chức cấp cao của chính phủ, cho biết nhà chức trách đã xem lại lệnh cấm đối với ông Sharif, cho phép ông phát biểu trước đám đông và trở về nhà sau đó.
Washington lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ làm mất ổn định hơn nữa chính phủ Pakistan và ngăn chính phủ khỏi việc trở thành một đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy ở Afghanistan. Các chiến binh Pakistan đã tấn công một kho hậu cần ở Tây Bắc Pakistan vào rạng sáng 15/3, đốt hàng chục container và xe quân sự. Kho này được sử dụng để cung cấp hàng hóa cho quân đội của NATO tại Afghanistan.
Các luật sư và những người ủng hộ phe đối lập dự định tập trung gần khu tòa án chính của Lahore trước khi lên đường tới Thủ đô Islamabad. Họ định tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, cho tới khi chính phủ đồng ý phục chức cho các thẩm phán bị cựu Tổng thống Musharraf sa thải.
Để ngăn cản họ tới Islamabad, nhà chức trách đã phong tỏa các tuyến đường lớn ở ngoại ô thành phố trong khi cảnh sát chống bạo động được triển khai bên ngoài nhà ga và các tòa nhà chính phủ.
Tuy nhiên, hàng nghìn người vẫn vượt qua các rào chắn và tới được tòa án ở Lahore. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát. Cảnh sát đã bắn hơi cay và sử dụng dùi cui để giải tán đám đông. Người biểu tình đáp lại bằng gạch đá.
Khủng hoảng chính trị bắt đầu từ tháng trước khi Tòa án Tối cao cấm anh em ông Sharif giữ các chức vụ do dân bầu. Tổng thống Zardari đã làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng bằng cách giải tán chính quyền tỉnh Punjab do anh trai ông Sharif đứng đầu - tỉnh lớn nhất và giàu có nhất với Lahore là thủ phủ.
Sau đó, anh em nhà Sharif đã ủng hộ các kế hoạch biểu tình của các luật sư tại Islamabad - một động thái mà các quan chức cho rằng sẽ khiến chính phủ tê liệt. Ông Zardari đã từ chối phục chức cho các thẩm phán bị sa thải.
Nhiều nhà quan sát nghi ngờ ông Zardari lo sợ các thẩm phán có tư tưởng độc lập này có thể hủy bỏ sắc lệnh của Musharraf. Sắc lệnh này hủy bỏ những lời buộc tội tham nhũng chống lại ông Zardari và vợ ông - cựu Thủ tướng Bhutto bị ám sát.