Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Kim Yong-il hôm 17/3 đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Trung Quốc, đúng vào lúc một số nước láng giềng và phương Tây đang tỏ ra quan ngại về các kế hoạch phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng CHDCND Triều Tiên là một phần trong các hoạt động kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước láng giềng. Nó diễn ra không lâu sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đang chuẩn bị phóng rocket đưa một vệ tinh của nước này vào quỹ đạo trong khoảng thời gian từ 4-8/4 tới.
Chính phủ một số nước phương Tây cũng tuyên bố, việc CHDNCND Triều Tiên phóng rocket sẽ vi phạm một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua sau khi quốc gia này tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 2006.
Trả lời phỏng vấn của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) trước khi lên đường tới thăm nước này, ông Kim ca ngợi Bắc Kinh là một điểm tựa ngoại giao cho CHDCND Triều Tiên trong tình cảnh xáo trộn quốc tế.
"CHDCND Triều Tiên hài lòng với các quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trong những xu hướng quốc tế phức tạp và dễ thay đổi vào thời điểm hiện tại... Mối ràng buộc này sẽ thực sự góp phần đảm bảo hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và thế giới", Thủ tướng CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh.
Giới phân tích cho rằng, trong suốt 5 ngày lưu lại Trung Quốc, chương trình nghị sự giữa ông Kim với các quan chức nước sở tại có thể tập trung chủ yếu vào các vấn đề thương mại, công nghiệp và tăng cường mối giao hảo song phương hơn là việc giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng.
"Năm của tình hữu nghị"
Cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều gọi 2009 là "năm của tình hữu nghị" giữa hai nước. Trung Quốc có thể không hoan nghênh kế hoạch phóng rocket của CHDCND Triều Tiên nhưng cũng không muốn loại nước này khỏi danh sách các quốc gia đối tác.
Zhang Liangui, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, nhận định: "Trung Quốc đặc biệt thận trọng trong cách xử sự với CHDCND Triều Tiên".
Cho tới thời điểm hiện nay, Bắc Kinh luôn tránh đưa ra bất kỳ đe dọa nào, dù là gián tiếp, đối với Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nước khác cũng tham gia đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân CHDCND Triều Tiên (gồm Nga, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc) tích cực hành động hơn nữa.
Tại một cuộc họp báo hôm 17/3, Tần Cương - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên tương đối phức tạp với những nhân tố không rõ ràng ngày càng tăng lên. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về việc này.
Chúng tôi hy vọng, các bên liên quan có thể hành động nhằm giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại, duy trì sự kiềm chế chúng, bảo vệ hòa bình cũng như sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả các bên liên quan"