Bán đảo Triều Tiên lại nóng lên từng ngày sau tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ một nhà máy hạt nhân thí điểm.
Động thái mới nhất này của Triều Tiên nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lệnh trừng phạt - hành động cụ thể đầu tiên của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên - ba công ty của nước này vì cáo buộc liên quan đến vụ phóng gây nhiều tranh cãi ngày 5-4 vừa qua. Đây là bước tiếp theo sau một loạt tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng thời gian qua như: rút khỏi đàm phán 6 bên, khẳng định tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân...
Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, quá trình có thể phục vụ sản xuất plu-tô-ni ở mức chế tạo vũ khí. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 14-4 đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh về khả năng này và tuyên bố trên là bước hiện thực hóa. Với Bình Nhưỡng, hành động này sẽ góp phần tăng cường khả năng răn đe hạt nhân vì mục đích tự vệ để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ các thế lực thù địch. Sở dĩ Triều Tiên không thừa nhận bất cứ quyết định trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra, vì xem đây là "sự vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ" về quyền phóng vệ tinh - quyền bất khả xâm phạm - vì mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh lại cho rằng, thực chất vụ phóng vệ tinh của Bình nhưỡng chỉ là "chiêu bài" và xem đây là sự tiếp nối chính sách đối ngoại hạt nhân của nước này.
Bất chấp những động thái của Bình Nhưỡng, đến nay các bên liên quan trong tiến trình đàm phán 6 bên vẫn tỏ rõ thiện chí tiếp tục tiến trình này. Dường như mấu chốt để tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là một đề nghị mới của Mỹ - thể hiện thái độ hợp tác của Oa-sinh-tơn - bởi giữa các bên liên quan hiện còn khá nhiều bất đồng về quan điểm cũng như khác biệt về lợi ích. Đây là trở ngại lớn khiến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên luôn phải đối mặt với thách thức.
Những căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên từ trước tới nay luôn phụ thuộc vào những diễn biến trong quan hệ liên Triều cũng như sự "nóng - lạnh" giữa Bình Nhưỡng và Oa-sinh-tơn. Trước thái độ được xem là cứng rắn của Triều Tiên những ngày qua, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã không ngừng chỉ trích quyết định trên nhưng đồng thời lại tỏ ra mềm dẻo khi kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán 6 bên. Trong một tuyên bố ngày 25-4 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mê-gan Mát-xơn nhấn mạnh, Mỹ không chấp nhận Triều Tiên là nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ vẫn giữ nguyên cam kết trong đàm phán 6 bên theo cách có thể kiểm chứng và bằng phương thức hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán 6 bên. Mỹ cũng thẳng thắn tuyên bố tiếp tục theo đuổi mục tiêu thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung 19-9-2005, mà theo đó, Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ toàn bộ vũ khí và chương trình hạt nhân hiện có; đồng thời tham gia trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như chấp thuận việc giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong thời gian sớm nhất.
Rõ ràng động thái đáp trả cứng rắn trên của Bình Nhưỡng cùng với những cáo buộc gây sức ép của Mỹ và các nước đồng minh đang đẩy bán đảo Triều Tiên lên nấc thang căng thẳng mới. Cùng với vụ Bình Nhưỡng bắt giữ hai nhà báo Mỹ trên biên giới Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên (hồi trung tuần tháng 3-2009), đây được xem là bước thụt lùi trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thực tế này đang đẩy tiến trình đàm phán 6 bên đứng trước nguy cơ đổ vỡ một lần nữa.