Gru-di-a Biểu tình phản đối Tổng thống: Lối rẽ được định trước ?

08:16, 09/04/2009

Tình hình đang trở nên bức bách đối với vị Tổng thống ưa phiêu lưu của Gru-di-a Mi-kha-in Xa-a-ca-svi-li khi làn sóng đòi ông từ chức ngày càng dâng cao.

Ngày 9/4, tám đảng đối lập, trong đó có "Phong trào Dân chủ - Gru-di-a thống nhất" của cựu Chủ tịch Quốc hội Ni-nô Bu-gia-nát-de, "Phong trào vì Gru-di-a thống nhất" của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ô.Ô-crua-svi-li, hiện đang tị nạn chính trị ở Pháp, đã phối hợp tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn thu hút hàng trăm ngàn người tại thủ đô Tbi-li-si. Yêu cầu của các lực lượng đối lập là tổ chức bầu cử trước thời hạn, thực hiện những biện pháp khẩn cấp đưa Gru-di-a thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Theo họ, trong bối cảnh xã hội đã mất lòng tin vào chính quyền thì vấn đề duy nhất để có thể đối thoại là thay đổi chính quyền bằng các biện pháp hòa bình và hợp hiến.

 

Kể từ khi nắm quyền tổng thống năm 2003, đây không phải lần đầu tiên ông M.Xa-a-ca-svi-li phải đối mặt với sức ép từ chức. Cuối năm 2007, nhà lãnh đạo thân phương Tây này đã buộc phải chấp nhận một cuộc bầu cử sớm nhưng lại may mắn tái đắc cử. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay ở Gru-di-a hoàn toàn khác so với cách đây hơn một năm. "Người hùng" của cuộc Cách mạng Hoa hồng hiện đang bị "bủa vây" tứ phía. Còn các đảng phái đối lập tại Gru-di-a dường như được tiếp thêm sức mạnh bởi sự thay đổi lãnh đạo tại Mỹ và lời "thú tội" muộn màng của Tổng thống M.Xa-a-ca-svi-li về vai trò cá nhân của mình trong "canh bạc" về quân sự với Nga tại Nam Ô-xê-ti-a hồi tháng 8 năm ngoái.

 

Trên thực tế, căng thẳng hiện nay trên chính trường Gru-di-a đã được dự báo ngay từ khi nổ ra cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a. Kết quả của cuộc xung đột chớp nhoáng này đã để lại những tác hại vô cùng lớn đối với bản thân Gru-di-a khi hàng chục nghìn thường dân vô tội thiệt mạng, mất nhà cửa và đẩy nền kinh tế quốc gia vào cảnh kiệt quệ. Quyết định nông nổi, bột phát của Tổng thống còn khiến cho tham vọng gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Tbi-li-si trở nên gập ghềnh và chông gai hơn bao giờ hết do các nước đồng minh châu Âu lo ngại động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Nga. Sự mạo hiểm của vị Tổng thống trẻ tuổi này cũng làm cho kế hoạch mở rộng sang hướng Đông của chính những "ông bầu" phương Tây lâm vào thế "việt vị" khiến bàn cờ địa - chính trị vùng Cáp-ca-dơ nghiêng lợi thế về phía Mát-xcơ-va.

 

Không phải ngẫu nhiên mà cuối năm ngoái, 4 tháng sau khi cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a kết thúc, tin tức từ các cơ quan điều tra độc lập của phương Tây đều khẳng định, Gru-di-a là phía gây chiến. Nhiều nguồn tin cho rằng, một loạt hành động chuẩn bị cho sự ra đi của người học trò phiêu lưu của phương Tây đã được dọn sẵn. Nhà Trắng đang muốn dọn dẹp "bàn cờ" cũ để bày một ván mới. Mỹ đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại theo hướng giảm nhẹ căng thẳng với Nga và Tổng thống M.Xa-a-ca-svi-li có thể là một nước "thí quân".