Iraq bầu chủ tịch quốc hội sau 4 tháng trì hoãn

07:45, 20/04/2009

Quốc hội Iraq đã kết thúc 4 tháng tê liệt sau khi bầu được chủ tịch quốc hội mới. Những người bỏ phiếu cho ông hy vọng ông sẽ mang lại sức mạnh và kỷ luật cho cơ quan lập pháp đầy bất ổn này.

Ông Iyad Samarrai, một nhân vật tiêu biểu trong đảng Hồi giáo Iraq, đã được bầu làm chủ tịch quốc hội, thay thế ông Mahmoud Mashadani từ chức từ tháng 12 năm ngoái.

 

Samarrai - một kỹ sư người Sunni có tính cách ôn hòa đã từng sống tỵ nạn gần một thập kỷ tại Anh - được kỳ vọng sẽ mang lại một cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong điều hành cơ quan lập pháp. Nhưng việc bổ nhiệm ông cũng có thể dẫn tới những cuộc tranh giành quyền lực giữa quốc hội và chính phủ của thủ tướng Nouri Maliki do người Shiite kiểm soát. Theo một thỏa thuận bất thành văn giữa các đảng phái, vị trí của chủ tịch quốc hội do một người Sunni nắm giữ.

 

Trong vòng 4 tháng qua ông Samarrai đã không nhận được đủ số phiếu cần thiết tại quốc hội do một số người quan ngại rằng đảng Hồi giáo Iraq sẽ dùng vị trí này để thách thức quyền lực của thủ tướng Maliki..

 

Gần đây, những lời đồn đại ngày càng gia tăng về khả năng đảng của những người Sunni bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất Thủ tướng Maliki. Trong nỗ lực hợp tác với đồng minh là người Kurd và Hội đồng tòa án tối cao của người Shiite, thủ tướng đã ngăn cản việc bầu ông Samarrai trong nhiều tháng.

 

Các đại biểu quốc hội cho biết việc trì hoãn đã bị phá vỡ sau khi Thủ tướng Maliki nhận được đảm bảo rằng đảng Hồi giáo Iraq sẽ không tìm cách lật đổ ông. Samarrai đã giành được 153 trong số 232 phiếu bầu.

 

Phát biểu với báo chí sau cuộc bỏ phiếu, ông Samarrai, 63 tuổi, đã cam kết sẽ tăng cường sự giám sát của quốc hội đối với các hoạt động của chính phủ. Nhưng ông cũng cho biết quốc hội “nên tiến hành mà không có động cơ chính trị, hay bị sử dụng để trục lợi bởi bất kì đảng phái nào.”

 

Salim Abdullah Jabouri, phát ngôn viên của Mặt trận Hòa hợp Iraq cho biết cuộc tổng tuyển cử trên cả nước sẽ tiến hành vào cuối năm nay và rằng sẽ không có đủ thời gian để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

 

“Quốc hội sẽ kiểm tra chính phủ, không phải lật đổ chính phủ, bởi gần đây quốc hội đã trở thành một công cụ trong tay của chính phủ,” ông cho biết.

 

Dù sao việc bổ nhiệm ông Samarrai cũng là một bước nhượng bộ của ông Maliki, uy tín chính trị của ông tăng mạnh sau khi ông giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử ở cấp địa phương trong năm nay, một đại biểu quốc hội cho biết.

 

Sự bế tắc đã trì hoãn việc thông qua nhiều văn kiện lập pháp quan trọng bao gồm cả ngân sách cho năm 2009 và luật dầu mỏ - luật này đã nằm tại quốc hội trong nhiều năm.