Các nhà lãnh đạo thế giới hôm qua 1/4 đã tới London, chuẩn bị tham dự cuộc họp thượng đỉnh G20 được cho là sẽ có nhiều chia rẽ quanh việc xác định các đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Anh vào hôm 31/3 trong chuyến công du nước ngoài lớn đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức và ông sẽ có cuộc gặp gỡ song phương với nhiều lãnh đạo của các quốc gia phát triển và đang phát triển G20 trước khi cuộc họp chính thức diễn ra vào ngày 2/4.
Tuy nhiên sự khác biệt về quan điểm giữa các nhà lãnh đạo về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện qua cuộc phỏng vấn trên báo chí của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, người phản đối quan điểm của Đức khi cho rằng khuyến khích tài chính không phải là một giải pháp.
Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình thức này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những nước châu Âu, dẫn đầu bởi Pháp và Đức lại hoài nghi với việc khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn khoản họ có và cho rằng việc thiết lập một quy tắc tài chính toàn cầu chặt chẽ hơn là ưu tiên hàng đầu.
"Với kinh nghiệm của 15 năm qua, chúng tôi biết rằng điều gì là cần thiết trong khi những nước như Mỹ và châu Âu có thể mới đối diện với tình trạng này lần đầu tiên. Tôi nghĩ có những quốc gia hiểu được tầm quan trọng của việc huy động tài chính và có nhiều nước không cho là như vậy", ông Aso nói với tờ Financial Times.
Pháp đã từng tuyên bố sẽ không tham dự cuộc họp thượng đỉnh nếu các lãnh đạo thế giới từ chối đề cập đến ý kiến của ông về việc lập ra một hệ thống quy tắc tài chính mạnh mẽ hơn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Ông Sarkozy hôm nay 1/4 cảnh báo, Pháp và Đức chưa đồng tình với dự thảo tuyên bố của G20.
Trong khi đó, Nhà Trắng đã phản đối thông tin về việc có sự rạn nứt trong quan hệ với các nước châu Âu. Ông Obama trong hôm nay sẽ có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Anh Gordon Brown, sau đó là các cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông cũng sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
An ninh đã được tăng cường tại khắp London, nơi hàng loạt các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, chống chiến tranh và chống toàn cầu hóa sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày của hội nghị. Hôm nay, biểu tình dự kiến sẽ diễn ra tại ngân hàng Bank of England và đại sứ quán Mỹ để kêu gọi rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan và Iraq.
Thủ tướng Anh Brown đã đặt ra 5 mục tiêu cho hội nghị, trong đó có việc tăng cường nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới để giúp tăng nguồn cho vay tới các quốc gia đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông cũng hy vọng sẽ đạt được đồng thuận về đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng nhằm "làm những gì cần thiết" để khuyến khích tăng trưởng, chống lại sự bảo hộ và thúc đẩy thương mại.