Ngày 16/4, Đại sứ đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nga Grigory Logvinov nhấn mạnh “vẫn còn cơ hội để nối lại các cuộc thảo luận sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng con đường này hay con đường khác bởi không ai đốt cây cầu đó và cánh cửa vẫn chưa bị đóng lại".
Theo kế hoạch, ông Lavrov sẽ đến Bình Nhưỡng vào ngày 24/4 tới để chuyển bức thư của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Bức thư của Tổng thống Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại.
Ông Lavrov sẽ kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, đồng thời cảnh báo việc Triều Tiên trục xuất các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tái khởi động các cơ sở hạt nhân là không có lợi cho nước này.
Theo báo trên, ông Lavrov có thể sẽ giải thích với Triều Tiên rằng việc quay trở lại đàm phán sáu bên là cần thiết nếu như nước này không muốn Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt.
Trong bối cảnh này, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng nhấn mạnh, "Chính phủ Mỹ tin rằng các bên liên quan đều rất mong muốn Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán mà hồi tháng 9/2005, Bình Nhưỡng từng nhất trí từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này".
Giới phân tích Hàn Quốc nhận định Triều Tiên cần từ sáu tháng đến 1 năm để khôi phục đầy đủ hoạt động tổ hợp nguyên tử Yongbyon do quá trình vô hiệu hóa tổ hợp này được cho là đã hoàn tất tới 70-80%.
Vì vậy, các nhà ngoại giao sẽ có thời gian để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi tiến trình này. Hàn Quốc cho biết nước này không phản đối mọi cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên để sớm chấm dứt tình hình bế tắc hiện nay.