Nhật Bản tiếp tục giải cứu kinh tế

16:31, 12/04/2009

Xuất khẩu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Á, lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) lâm vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2009 sẽ là âm 5,8%. Cùng sự tụt dốc của cỗ xe kinh tế, tại đất nước Mặt trời mọc, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp lớn cũng đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974, còn tỉ lệ phá sản doanh nghiệp lại tăng lên mức cao nhất trong 6 năm qua…

 

Đó là thực trạng nền kinh tế Nhật Bản hiện nay và khiến người đứng đầu Chính phủ nước này, Thủ tướng Ta-rô A-sô vừa buộc phải tung ra gói kích thích kinh tế mới, lớn nhất trong lịch sử trị giá 15,4 nghìn tỷ yên (khoảng 153 tỷ USD) cho năm tài khóa mới (1-4-2009 đến 31-3-2010), nằm trong gói biện pháp cứu nguy nền kinh tế Nhật Bản có tổng giá trị 56.800 tỷ yên (568 tỷ USD), vừa được nội các nước này thông qua cuối tuần qua.

 

Như vậy, kể từ khi lên nắm quyền tháng 9-2008 đến nay, ông Ta-rô A-sô đã chi tổng cộng 25 nghìn tỷ yên để giải cứu nền kinh tế. Khoản chi mới nhất hơn 150 tỷ USD nêu trên là kế hoạch kích thích kinh tế thứ ba của Nhật Bản trong thời gian qua. Cú huých sống còn này được tung ra sau kế hoạch trị giá 12 nghìn tỷ yên cách đây ít ngày, chủ yếu là cắt giảm thuế và bơm tiền cho dân chi tiêu để kích cầu.

 

Hiện tại, các ngành nghề như: công nghiệp chế tạo, xuất khẩu... đều trượt dốc mạnh và kế hoạch kích thích kinh tế tương đương 3% GDP này được xem là sẽ bảo đảm cuộc sống cho người dân cũng như sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Phù Tang. Với gói kích thích mới nhất này, Thủ tướng T.A-sô cam kết sẽ tạo 2 triệu việc làm trong 3 năm tới; đồng thời tập trung phát triển các ngành công nghệ như: sản xuất pin mặt trời, xe chạy bằng điện, thiết bị điện tử tiết kiệm điện… nhằm hướng Nhật Bản trở thành một quốc gia ít gây ô nhiễm.

 

Phản ứng với quyết định mới nhất trên của Chính phủ Nhật Bản, thị trường chứng khoán nước này cũng như tại hầu hết các quốc gia châu Á đã có phiên tăng điểm ấn tượng vào cuối tuần qua. Hiệu ứng tâm lý bắt đầu phát huy tác dụng. Về phần mình, Thủ tướng T.A-sô đã bày tỏ lập trường kiên quyết bảo vệ kế hoạch kích thích kinh tế mới với cảnh báo sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn (dự kiến tháng 10-2009) nếu kế hoạch này không được Quốc hội thông qua. Cảnh báo này cho thấy, với ông A-sô, kế hoạch kích thích kinh tế mới không chỉ là sống còn về kinh tế mà còn quyết định tương lai chính trị của chính đương kim Thủ tướng Nhật Bản. Trong khi đó, những cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Nhật Bản cho thấy, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 10 tới sẽ rất khó khăn với nội các đương nhiệm. Tung ra kế hoạch kích thích kinh tế mới, Thủ tướng T.A-sô muốn cử tri thấy là Chính phủ đã làm hết mình để cố vực dậy nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi suy thoái.

 

Kỳ vọng là rất lớn, nhưng do món nợ Chính phủ hiện đang quá cao, có thể chiếm tới 197% GDP vào năm 2010, do đó khả năng kích thích kinh tế của Chính phủ Nhật Bản được giới tài chính cho là khó có thể ngay lập tức phát huy tác dụng. Vì vậy, để bảo đảm số vốn cần thiết cho các biện pháp kích thích kinh tế mới, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành trái phiếu trị giá lên tới 110 tỷ USD. Nếu kế hoạch phát hành trái phiếu này được thực hiện, tổng giá trị trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản phát hành trong tài khóa 2009 sẽ đạt 440 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

 

Trong khi nội các Nhật Bản hồi hộp chờ Quốc hội thông qua gói kích thích mới, nhiều dự báo từ đất nước Mặt trời mọc cho rằng tình hình kinh tế hiện nay của đầu tàu kinh tế châu Á vẫn tiếp tục suy giảm so với 3 tháng đầu năm 2009. Đây quả là mối nguy tiềm tàng khiến Nhật Bản rất có thể phải tiếp tục hạ mức tăng trưởng GDP (âm 5,8%) trong tháng 4 này.