Trong phiên họp nội các ngày 10/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp đặt các biện pháp cấm vận bổ sung đối với Triều Tiên nhằm phản ứng việc nước này phóng tên lửa hôm 5/4, đồng thời gia hạn thêm 1 năm các biện pháp cấm vận hiện nay đối với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, các du khách phải khai báo với Chính phủ Nhật Bản khi mang hơn 300.000 yên đến Triều Tiên, so với quy định cũ là hơn 1 triệu yên.
Phát biểu sau phiên họp nội các, Bộ trưởng Ngoại giao Hirofumi Nakasone cho biết mục đích của các biện pháp cấm vận mới là làm rõ các luồng tiền chuyển sang Triều Tiên.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản không đưa quy định cấm hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu sang Triều Tiên vào danh sách các biện pháp cấm vận bổ sung. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Triều Tiên vào khoảng vài trăm triệu yên/năm.
Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định gia hạn thực hiện cấm vận thêm 1 năm, thay vì 6 tháng như vẫn áp dụng hiện nay.
Nhật Bản đã áp đặt cấm vận Triều Tiên, trong đó có việc cấm các tàu thuyền đăng kiểm tại Triều Tiên được cập cảng Nhật Bản, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa đạn đạo vào tháng 7/2006.
Ba tháng sau đó, Nhật Bản lại áp đặt lệnh cấm vận khác, trong đó cấm các hoạt động nhập khẩu sau khi Triều Tiên thử hạt nhân. Kể từ đó, cứ 6 tháng một lần, các lệnh cấm vận này lại được gia hạn. Theo kế hoạch, các lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 13/4.
Cùng ngày 10/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Takeo Kawamura tuyên bố do không có vật thể nào giống một vệ tinh mà Triều Tiên loan báo bay trên quỹ đạo Trái Đất, Chính phủ Nhật Bản khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên liên quan đến một dự án phát triển tên lửa.
Phát biểu với báo giới, ông Kawamura cho biết các cơ quan chức năng không dò tìm được sóng radio mà một vệ tinh phải truyền phát.
Ngoại trưởng Nhật Bản Nakasone cho biết đã nhất trí được với các ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc trong sáng nay về việc tiếp tục các nỗ lực để Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết mới trừng phạt hành động bắn tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản sẽ kêu gọi Trung Quốc ủng hộ quan điểm này.
Liên quan đến vụ phóng tên lửa, Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc ngày 9/4 cho biết cơ quan này chưa nhận được báo cáo nào cũng như chưa xác định được vệ tinh mà Triều Tiên thông báo đã phóng thành công có ở trong quỹ đạo hay không.
Mặc dù Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vệ tinh Kwangmyongsong-2 đang di chuyển ổn định trong quỹ đạo , song theo người phát ngôn của ITU Sanjay Acharya khẳng định ITU chưa hề phân bổ tần số cho vệ tinh nhân tạo của Triều Tiên và hiện chưa có thông báo nào của các nước thành viên về việc Bình Nhưỡng đã chặn sóng vô tuyến tần số của ITU.