Pa-ki-xtan ẩn số đầy thách đố

09:39, 26/04/2009

Cuộc chiến chống khủng bố ở Pa-ki-xtan đang vấp phải vô vàn khó khăn trước sự lớn mạnh của lực lượng Ta-li-ban.  

Cả khu vực Nam Á đã rung động khi (ngày 23-4), lực lượng Ta-li-ban sau khi mở rộng kiểm soát ở khu vực Tây Bắc Pa-ki-xtan đã chiếm toàn bộ huyện Bu-nơ thuộc tỉnh biên giới Tây Bắc, cách thủ đô I-xla-ma-bát chỉ khoảng 100km. Theo các hãng thông tấn báo chí tại chỗ mô tả, hàng trăm tay súng Hồi giáo được "trang bị tận răng" đã lập các trạm kiểm soát trên các trục đường chính của huyện này; đồng thời cảnh báo người dân không nên có các hành động "phản Hồi giáo" và cấm phụ nữ đến những nơi công cộng... Theo người dân sở tại, chính quyền và cảnh sát Pa-ki-xtan đã hoàn toàn "bất lực" trước cuộc tiến chiếm Bu-nơ của Ta-li-ban.

 

Oa-sinh-tơn đã có những phản ứng tức thì. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, ngày 23-4, đã hối thúc các nhà lãnh đạo Pa-ki-xtan hành động kiên quyết chống lại sự loang rộng của Ta-li-ban mà Oa-sinh-tơn coi là mối đe dọa lớn với an ninh, ổn định tại Pa-ki-xtan. Ông R.Ghết cũng nêu rõ, quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan có thể bị ảnh hưởng nếu I-xla-ma-bát không mạnh tay trấn áp lực lượng Hồi giáo cực đoan.

 

Trong một diễn biến mới, ngày 24-4, nhằm trấn an dân chúng, trước Quốc hội tại thủ đô I-xla-ma-bát, Thủ tướng Y.Ra-da Gi-la-ni tuyên bố, Pa-ki-xtan sẽ xem xét lại chính sách đối với Ta-li-ban trong trường hợp không thể khôi phục được hòa bình tại vùng Tây Bắc. Cùng ngày, các quan chức chính trị ở Tây Bắc Pa-ki-xtan cũng đã họp khẩn cấp ở Pê-sa-oa để quyết định cách thức đối phó với Ta-li-ban tại huyện Bu-nơ.

 

Theo nhiều nguồn tin, đến hôm qua 26-4, các tay súng Ta-li-ban đã bắt đầu rút khỏi huyện Bu-nơ, nhưng rõ ràng việc Ta-li-ban không gặp mấy khó khăn để làm chủ cả một huyện là bằng chứng rõ nhất cho thấy chính sách hiện nay của Pa-ki-xtan với lực lượng này không mang lại tác dụng.

 

Dưới thời cựu Tổng thống P.Mu-sa-ráp, tuy chưa hẳn đã toại ý, nhưng Mỹ và đồng minh cũng đã đạt những thành công nhất định. Cái bắt tay của I-xla-ma-bát với Oa-sinh-tơn sau "sự kiện 11-9" không những "hút" về cho Pa-ki-xtan hơn 10 tỷ USD từ Nhà Trắng mà nước này còn được giới chức Mỹ xem là "át chủ bài" trong chiến lược chống khủng bố ở Nam Á. Nhưng đó là chuyện của những năm trước. Nay mọi thứ đang đổi thay. Nhiều nhà quan sát cho rằng, khi đó, lòng tin giữa Mỹ và Pa-ki-xtan trong trận chiến chống khủng bố đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc. Và hiện nay, Oa-sinh-tơn và I-xla-ma-bát rất cần những kinh nghiệm ấy; nhưng để có được điều đó lại không hề dễ dàng.

 

Ở bên kia đại dương, Oa-sinh-tơn cũng đang ráo riết tìm cách "thay đổi căn bản" quan hệ với Pa-ki-xtan để ngăn chặn sự loang rộng của Ta-li-ban. Đây-vít Cin-cu-len - nhân vật đề xuất chiến lược tăng quân Mỹ tới I-rắc thời Tổng thống G.Bu-sơ - vừa đề nghị Oa-sinh-tơn thay đổi cách tiếp cận theo kiểu trao đổi giữa hai bên như hiện nay bằng cách xây dựng một nền tảng mới về lòng tin giữa các đồng minh tại khu vực này.

 

Trong chiến lược mới của Mỹ để bình ổn Áp-ga-ni-xtan thì Pa-ki-xtan giữ vai trò quan trọng vì vùng biên giới Tây Bắc nước này vốn là hậu cứ của phiến quân Ta-li-ban cũng như mạng lưới khủng bố Al Qaede. Do đó, quan hệ giữa I-xla-ma-bát và Oa-sinh-tơn trong mục tiêu chung tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Pa-ki-xtan lại thật sự biến nơi đây thành một ẩn số mang tính thách đố mà người Mỹ phải hóa giải bằng được nếu muốn thắng trong cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan. Để tìm ra ẩn số này, đầu tháng 5 tới, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan tại Nhà Trắng. Đây là bước đi nhằm tạo ra một liên kết mới để ổn định bằng được một khu vực mà nước Mỹ không thể mạo hiểm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay.