Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma kết thúc chuyến công du châu Âu trong thành công

08:58, 08/04/2009

Chặng dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/4 đã kết thúc một tuần công du châu Âu của người đứng đầu nước Mỹ. Nhưng trên đường về Oa-sinh-tơn, ngay trong đêm 7/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã bất ngờ thăm binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại I-rắc.

Với chuyến công du đầu tiên này, ông B.Ô-ba-ma đã gặp gỡ hàng loạt các nguyên thủ châu Âu, bàn thảo và đạt được nhiều thành công quan trọng: phối hợp với toàn cầu để khắc phục cuộc suy thoái kinh tế, nhận được sự ủng hộ cho chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, bước đầu hàn gắn mối quan hệ bị tổn thương trong những năm cầm quyền của người tiền nhiệm Gioóc-giơ Bu-sơ và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) ngày một gần gũi hơn. Qua những gì gặt hái được, người ta thấy tuyên bố của B.Ô-ba-ma trước khi đến Luân Đôn rằng, Mỹ sẽ nỗ lực khôi phục sự tin cậy của quốc tế và sẵn sàng đảm nhiệm vai trò "thủ lĩnh toàn cầu" đã được đền đáp.

 

Trước chuyến công du xuyên Đại Tây Dương đầu tiên này, nhiều người hoài nghi về một tiếng nói chung giữa các nền kinh tế châu Âu chủ chốt trong việc đối phó với cuộc khủng  hoảng tài chính hiện nay. Nhưng tư tưởng hướng tới sự đồng thuận của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã góp phần biến Hội nghị Thượng đỉnh G-20 thành cuộc tập hợp của "sự nhất trí lớn" giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới và các nền kinh tế mới nổi nhằm đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tuy không thể thuyết phục được G-20 chi nhiều tiền hơn để kích thích kinh tế, nhưng con số 1.000 tỷ USD mà Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi thỏa thuận được trong hội nghị cũng là một chia sẻ đáng kể giúp thế giới vượt lên cơn khủng hoảng đang diễn ra.

 

Một thành công đáng kể nữa của chuyến công du là Tổng thống B.Ô-ba-ma đã giúp giảm nhẹ bất đồng Pháp - Đức trước G-20 về các biện pháp tài chính cũng như trừng trị thẳng tay "các thiên đường trốn thuế". B.Ô-ba-ma đã tạo được tầm ảnh hưởng vang dội, từ sự khẳng định hòa nhã của ông rằng Mỹ là một trong những quốc gia "tiên phong" và rằng ông tới Luân Đôn để "lắng nghe chứ không phải để diễn thuyết". Chính vì vậy, kết thúc hội nghị, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đã không chỉ dự trọn vẹn hội nghị mà còn có lời ca ngợi B.Ô-ba-ma về nỗ lực xây dựng sự đồng thuận.

 

Trong cuộc họp thượng đỉnh với NATO tại Xtrabua (Pháp), Tổng thống B.Ô-ba-ma đã ghi thêm một thành công khi thuyết phục EU tăng thêm quân tới Áp-ga-ni-xtan. NATO đã cam kết tăng 5.000 quân cùng các trang thiết bị quân sự, y tế và ngân quỹ hơn 600 triệu USD cho Áp-ga-ni-xtan.

 

Còn tại Hội nghị EU - Mỹ trong chuyến công du này, Tổng thống Mỹ đã thành công khi thu hút được sự ủng hộ to lớn của khối về vấn đề chính: chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và tăng cường hợp tác thương mại cũng như nhiều vấn đề an ninh khác.

 

Tại điểm kết thúc của chuyến thăm - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cơ hội để ông chủ Nhà Trắng hàn gắn mối quan hệ vốn căng thẳng của Mỹ với nước này. Ông B.Ô-ba-ma đã không chút hoài nghi khi tuyên bố: Mỹ không và sẽ không bao giờ tuyên chiến với thế giới Hồi giáo.

 

Trong bài phát biểu dài 26 phút, Tổng thống Ô-ba-ma đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng có lẽ điều làm An-ca-ra hài lòng nhất là người đứng đầu nước Mỹ đã hối thúc EU thu nạp nước này và nhấn mạnh cam kết ủng hộ khát khao gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Và có thể coi là một thành công nữa cho nhà lãnh đạo trẻ nước Mỹ khi Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ xây dựng một tuyến đường rút lui an toàn, hữu hiệu nhất cho việc rút quân Mỹ khỏi I-rắc.

 

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ vừa khép lại. Thế giới sẽ dõi theo những gì Oa-sinh-tơn vừa cam kết. Còn quá sớm để khẳng định tất cả; nhưng chắc chắn một khởi đầu cho một loạt quan hệ của Oa-sinh-tơn với thế giới đã vừa được "chỉnh lại" dưới thời B.Ô-ba-ma.