Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua tuyên bố sẽ không dùng thuật ngữ "cúm lợn", để mọi người khỏi nhầm tưởng là bệnh cúm hiện nay do lợn gây ra.
Phát ngôn viên WHO Dick Thompson cho biết cơ quan phụ trách nông nghiệp và lương thực của Liên Hợp Quốc rất lo ngại, bởi cụm từ "cúm lợn" gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và khiến một số nước ra lện cấm lưu hành các sản phẩm từ lợn, thậm chí cho tiêu hủy đàn lợn.
"Thay vì gọi là cúm lợn ... chúng tôi sẽ gọi nó bằng thuật ngữ khoa học, là cúm A H1N1", Thompson cho biết.
Các virus cúm hiện nay ban đầu phát sinh từ lợn, nhưng có các gene của virus cúm người, gia cầm và lợn. Các nhà khoa học hiện chưa biết được cách mà chúng truyền sang người. Trong dịch bệnh hiện nay, WHO khẳng định rằng virus lây từ người sang người, chứ không phải do tiếp xúc giữa người và lợn ốm.
Từ hôm qua Ai Cập đã bắt đầu chiến dịch tiêu diệt 300.000 con lợn, bất chấp việc các chuyên gia khẳng định rằng cúm lợn không liên quan đến lợn và việc ăn thịt lợn không gây bệnh. Nông dân nước này đang tức giận và phản đối sắc lệnh diệt lợn của chính phủ.
Từ Paris, Tổ chức Thú y Quốc tế khẳng định "không có bằng chứng nào về việc lợn nhiễm virus gây bệnh, hay việc người bị nhiễm trực tiếp từ lợn".
"Giết lợn không giúp bảo vệ sức khỏe của người cũng như vật nuôi" và là hành động "không thích hợp", tuyên bố của tổ chức thú ý có đoạn.
Trung Quốc, Nga, Ukraina và một số nước khác đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Mexico và một số bang của Mỹ do lo ngại virus cúm lợn.
Hiện WHO đã khẳng định 257 ca nhiễm cúm lợn trên toàn thế giới, trong đó Mexico có 97 ca, 7 người được xác định chết vì cúm. Nước này đã đóng cửa các cơ sở làm việc, kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu nhằm giảm tốc độ lây lan của bệnh cúm. Tổng số người nghi chết vì cúm ở Mexico lên đến 176.
Tại Mỹ, số ca nhiễm tính đến hôm qua là 109 và một trường hợp tử vong. Giới chức nước này thông báo số ca nhiễm mới đang tiếp tục tăng, và đã cho đóng cửa ít nhất 300 trường học.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức báo động lên cấp 5, trong thang 6 cấp. Cấp cao nhất đồng nghĩa với đại dịch toàn cầu. 2 triệu liều thuốc kháng virus Tamilflu đã được WHO chuyển cho các văn phòng khu vực, và từ đó chuyển tiếp đến các nơi cần thiết. Phần lớn số thuốc này được cho là sẽ đến tay các nước đang phát triển và không có kho dự trữ.