Chia sẻ mục tiêu chung

08:34, 10/05/2009

Đó là kết quả sau cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao ba nước Mỹ, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) cuối tuần qua về sự hợp tác mới trên mặt trận chống khủng bố tại Nam Á.

Thông báo với giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, ông cùng với các nhà lãnh đạo của Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan đã nhất trí về việc chia sẻ mục tiêu chung là "phá vỡ, triệt hạ và đánh bại" mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và các phần tử cực đoan.

 

Trong bối cảnh Lầu Năm góc vừa quyết định chi viện thêm 21 nghìn lính Mỹ cho Áp-ga-ni-xtan thì tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cùng hai nguyên thủ Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan là một cú "tiếp sức" mạnh mẽ cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Thêm vào đó, người đứng đầu nước Mỹ tái cam kết viện trợ khẩn cấp 7,5 tỷ USD cho Pa-ki-xtan trong 5 năm tới để phát triển kinh tế, quân sự và các hoạt động cứu trợ cũng đã xua tan đám mây u ám trong quan hệ giữa I-xla-ma-bát và Oa-sinh-tơn thời gian qua liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố.

 

Thực tế, điều mà Oa-sinh-tơn trông đợi trong cuộc họp thượng đỉnh vừa kết thúc là phản hồi từ phía Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Bởi chỉ cách thời gian cuộc họp chưa đầy một tuần, ông B.Ô-ba-ma đã bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của Pa-ki-xtan trong việc bảo đảm các dịch vụ cho người dân như lương thực, y tế. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn, trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ, đã tuyên bố, I-xla-ma-bát đang bị các phần tử Ta-li-ban "soán ngôi" và xem đó là mối đe dọa đối với thế giới.

 

Trước cuộc gặp tại Oa-sinh-tơn, Tổng thống Pa-ki-xtan A-xíp A-li Da-đa-ri đã phát biểu nhằm trấn an sự lo ngại từ phía Mỹ về quyết tâm chống lại tàn quân Ta-li-ban của I-xla-ma-bát. Trong một hành động để chứng tỏ quyết tâm ấy, ngay trong ngày 3 nhà lãnh đạo gặp nhau ở Oa-sinh-tơn (6/5), lực lượng không quân và bộ binh của Pa-ki-xtan đã mở các cuộc tấn công đồng loạt nhằm vào 7 nghìn phiến quân Ta-li-ban tại thung lũng Xoát ở phía Tây bắc nước này. Tại Oa-sinh-tơn, Tổng thống Pa-ki-xtan A.Da-đa-ri đã không úp mở về hy vọng nước này muốn có thêm viện trợ từ Mỹ để phát triển kinh tế. Điều này nếu được Oa-sinh-tơn chấp nhận sẽ đồng nghĩa với việc uy tín của Tổng thống A.Da-đa-ri tại quốc nội sẽ gia tăng. Và Tổng thống Pa-ki-xtan đã nhận được sự tái khẳng định cam kết viện trợ  từ Oa-sinh-tơn.

 

Ngay sau khi trở về từ Oa-sinh-tơn, người đứng đầu Pa-ki-xtan đã ra lệnh đẩy mạnh cuộc tấn công tổng lực (từ ngày 6/5) vào sào huyệt của Ta-li-ban tại thung lũng Xoát. Đến cuối ngày 10-5, theo BBC, quân đội Pa-ki-xtan đã tiêu diệt ít nhất 150 tay súng đối phương tại khu vực này. Trong hai ngày nghỉ cuối tuần qua, một cuộc di dân khỏi khu vực giao tranh lớn nhất trong lịch sử của Pa-ki-xtan đã được nước này thực hiện tại vùng Xoát với khoảng 500 ngàn người. Thủ phủ Mi-gô-ra của Xoát - nơi được xem là cứ địa của Ta-li-ban - đã bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi hàng rào quân sự dày đặc; điện thoại di động, nước, điện tại đây đã bị cắt vô thời hạn... Điều này cho thấy Pa-ki-xtan quyết tâm quét Ta-li-ban khỏi Xoát và các vùng lân cận trong ít ngày tới.

 

Còn tại Áp-ga-ni-xtan, dù sự hợp sức của Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ chịu không ít tổn thất về người và của, công cuộc tái thiết và bảo đảm an ninh cho quốc gia Nam Á này đã đạt được kết quả nhất định và sự trỗi dậy của tàn quân Ta-li-ban đang đà bị đẩy lui. Vì thế, Ta-li-ban đã buộc phải chuyển địa bàn hoạt động lên vùng biên giới Pa-ki-xtan. Đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và Pa-ki-xtan tại Oa-sinh-tơn vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Thêm vào đó, thời gian gần đây, chính sách mới của Oa-sinh-tơn với sự điều hành của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã hóa giải phần nào bài toán với tàn quân Ta-li-ban. Người đứng đầu nước Mỹ từng thừa nhận, quân đội Mỹ khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, song có thể tiến tới hòa giải thông qua đàm phán với nhóm phiến quân này. Ông B.Ô-ba-ma còn cho rằng, việc tiếp cận Ta-li-ban có thể được tiến hành như cách mà quân đội Mỹ áp dụng để thuyết phục các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Xăn-ni ở I-rắc. Từ Oa-sinh-tơn người ta còn thấy niềm tin vào chính phủ của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai đã được củng cố bằng sự thừa nhận Ca-bun đã bước đầu đạt được ổn định xã hội và ngăn chặn tệ tham nhũng... Giới chức Nhà Trắng còn đi xa hơn khi bày tỏ hy vọng Tổng thống H.Ca-dai sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 20-8 tới.

 

Rõ ràng cuộc hợp lực mới trên trận chiến chống khủng bố đang được củng cố. Áp-ga-ni-xtan đã nhận được điều mong muốn - cam kết từ quốc gia láng giềng - Pa-ki-xtan sẽ không để tồn tại sào huyệt cho lực lượng cực đoan trú ẩn, từ đó tiến hành các cuộc tấn công sang bên kia biên giới. Pa-ki-xtan cũng đã nhận được phần bảo đảm đáng kể. Còn Mỹ không thể không lạc quan trước những thay đổi mang tính lâu dài trong sự hợp tác của cả Áp-ga-ni-xtan lẫn Pa-ki-xtan trên mặt trận chung chống khủng bố. Đây thật sự là một tiền đề quan trọng để Oa-sinh-tơn sớm bước vào chiến lược mới ở Nam Á.