Mỹ tăng sức ép để Triều Tiên trở lại bàn đàm phán

09:19, 06/05/2009

Hôm qua (6/5), phái đoàn ngoại giao của Mỹ do ông Stephen Bosworth dẫn đầu sẽ tới châu Á và sau đó là Nga trong một nỗ lực để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của nước này.

Lịch trình của ông Bosworth và phái đoàn này bắt đầu tại Bắc Kinh vào ngày thứ năm, sau đó tới Seoul vào ngày thứ sáu, tới Tokyo vào ngày 11-5 (thứ hai tuần sau) và chặng dừng chân cuối cùng tại Moscow vào ngày 12-5.

 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết phái đoàn này không có kế hoạch tới Triều Tiên. “Mục đích của chuyến đi này là chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để tìm cách xúc tiến và thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán”.

 

Mỹ hy vọng đặc biệt sẽ thuyết phục được Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên khôi phục đàm phán về việc xoá bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Nếu việc này thất bại, nỗ lực ngoại giao cuối cùng này có thể dọn đường cho Mỹ và các thành viên khác của bàn đàm phán sáu bên, trừ Triều Tiên, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới trong hỗ trợ lương thực và năng lượng đối với đất nước này.

 

Hôm thứ hai đầu tuần này, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của cuộc họp hai tuần về Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), mà Bình Nhưỡng đã rút từ năm 2003, Tổng thư ký Ban đã kêu gọi cả Triều Tiên và Iran quay lại đàm phán về các chương trình hạt nhân của họ.

 

Ngay lập tức, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Pak Tok Hun đã từ chối lời kêu gọi này, và tỏ thái độ dứt khoát rằng thậm chí các nước có cố gắng xâm phạm tới chủ quyền của nước này, thì Triều Tiên vẫn nhất định không quay lại đàm phán, và các nước cần chấm dứt thái độ thù địch đó với Triều Tiên.

 

Triều Tiên đã phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo hôm 5-4. Kể từ đó, mối quan hệ giữa các bên càng trở nên căng thẳng hơn. Sau khi Hội đồng Bảo an LHQ lên án hành động này, Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế ra khỏi các nhà máy hạt nhân của nước này và tuyên bố kế hoạch tái khởi động việc sản xuất plutonium.