Không chỉ gia tăng số người nhiễm cúm A H1N1 - 85 người, tăng 34 trường hợp (tính đến hết 2/5), Canada còn phát hiện trường hợp nhiễm cúm từ người sang động vật đầu tiên trên thế giới.
Thông tin này đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chuyên môn đau đầu bàn phương pháp đối phó. Theo thông báo của Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada, hơn 200 con lợn tại một trang trại ở tỉnh Alberta đã bị nhiễm cúm A H1N1.
Cơ quan chức năng
WTO cũng khẳng định, không có lý do gì phải áp dụng các biện pháp chống lại việc buôn bán thịt lợn do cúm A H1N1 bởi chưa có bằng chứng nào cho thấy, virus H1N1 được truyền qua thịt lợn. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể ăn các sản phẩm từ thịt lợn nếu được chế biến hợp vệ sinh.
Các tổ chức quốc tế cũng chỉ trích việc tẩy chay thịt lợn vì lo ngại lây nhiễm cúm A H1N1. Theo thống kê, kể từ khi dịch cúm A H1N1 bùng phát đến nay, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác như Indonesia, Ukraine, Philippines, Serbia… đã cấm nhập khẩu thịt lợn và một số sản phẩm từ thịt lợn của Mỹ.
Được biết, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đã giảm khoảng 10% kể từ khi cúm A H1N1 bùng phát và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của những người chăn nuôi. Doanh thu từ xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn của Mỹ trong năm 2008 đạt 4,8 tỷ USD.
Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova xác nhận, tổng số người chết do virus A H1N1 tại quốc gia này đã lên tới 19 người và 454 trường hợp khác được xác nhận nhiễm cúm A H1N1.
WHO cho biết, tính đến sáng 3/5, tổng số người nhiễm cúm A H1N1 trên toàn thế giới là 777, trong đó có 454 người ở Mexico và 184 người ở Mỹ. Hiện đã có 18 quốc gia xác nhận có người nhiễm cúm A H1N1.
Giới truyền thông đưa tin, tối 2/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã có cuộc điện đàm (20 phút) về tình hình bùng phát cúm A H1N1 bởi cho đến nay mới chỉ có 2 quốc gia này có người tử vong vì dịch cúm kể trên.
Giới chuyên môn nhận định, với tốc độ lây nhiễm và tình hình hiện nay, rất có khả năng WHO sẽ nâng cấp báo động lên mức 6 - mức cao nhất để cảnh báo với tất cả các quốc gia trên thế giới về tính cấp bách của căn bệnh nguy hiểm này.
Được biết, WHO đã phân phối 2,4 triệu liều thuốc Tamiflu tới các nước đang phát triển để phòng chống dịch cúm A H1N1. Dịch cúm A H1N1 cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch của châu Á.