Quan hệ Nga - NATO vẫn căng thẳng

08:16, 06/05/2009

Hôm qua (6/5), Mát-xcơ-va tuyên bố sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Ca-na-đa làm việc tại phòng thông tin của NATO tại Mát-xcơ-va. Đây là phản ứng mới nhất từ Điện Crem-lin sau khi NATO trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga tại Brúc-xen ngày 29-4 vừa qua với lời cáo buộc 2 người này làm gián điệp.

Trước đó 1 ngày, Nga cũng tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp gỡ cấp ngoại trưởng Hội đồng Nga - NATO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới. Trong khi đó, NATO đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Gru-di-a từ ngày 6-5, bất chấp hành động này có thể đẩy quan hệ với Mát-xcơ-va rơi xuống mức thấp nhất.

 

Trên thực tế, quan hệ Nga - NATO tuần qua bị kéo căng bởi một loạt sự kiện bắt đầu từ kế hoạch tập trận của NATO tại Gru-di-a, nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ như một hạt cát nhỏ góp vào chuỗi mâu thuẫn dài vốn tồn tại giữa hai bên trong nhiều năm qua. Điều trớ trêu là ở chỗ, những hành động được cho là "trả đũa" này diễn ra chỉ ít ngày sau khi các nhà ngoại giao hai bên tuyên bố tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga - NATO ở Brúc-xen (Bỉ) ngày 29-4 rằng, họ đang hy vọng sẽ có mối quan hệ tốt đẹp hơn.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc tập trận gây tranh cãi đang diễn ra ngoài mục đích khẳng định ảnh hưởng tại khu vực chiến lược Cáp-ca-dơ, NATO còn tiến tới một đích khác là thử thách độ tin cậy của các quốc gia đối tác. Thế nhưng, trước "cơn thịnh nộ" của Mát-xcơ-va, Ca-dắc-xtan, Lát-vi-a, E-xtô-ni-a, Môn-đô-va và Ác-mê-ni-a - những nước cộng hòa thuộc không gian Liên Xô cũ, đã rút khỏi danh sách các quốc gia tham gia tập trận.

 

Tuy nhiên, câu trả lời thuyết phục cho sự căng thẳng đang leo thang trong quan hệ Nga - NATO có thể tìm thấy từ nhiều nguyên nhân sâu xa khác. Nó bắt nguồn khi nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng và từng bước giành lại vai trò của một cường quốc. Bên cạnh tiềm năng quân sự vốn có từ trước của Liên Xô, việc Nga có thể trở thành một siêu cường không còn là chuyện quá xa vời. Thế nhưng, sự hồi phục nhanh chóng của Nga lại là một thực tế không hề được Mỹ và phương Tây mong đợi vì nó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nỗ lực duy trì trật tự thế giới đơn cực của Oa-sinh-tơn và kế hoạch Đông tiến, xâm nhập các khu vực mang tính chiến lược nhưng nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga. Nói một cách khác, phương Tây khó có thể thay đổi chính sách gây sức ép nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế bằng thái độ thiện chí theo quan điểm chung sống hòa bình thực sự như họ vẫn tuyên bố. Trong khi đó, với sức mạnh mới hồi sinh, Mát-xcơ-va không thể chấp nhận những âm mưu "thọc gậy bánh xe" nhằm kìm hãm sự phát triển của Nga trên trường quốc tế từ phía phương Tây cũng như NATO. Điện Crem-lin cũng không hề che giấu ý định xây dựng một thế giới đa cực nhằm phá bỏ cục diện một thế giới đơn cực mà Mỹ đang chiếm ưu thế từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh tới nay.

 

Rõ ràng sự nghi kỵ đang dựng lên một rào cản lớn khiến Nga - NATO khó có thể sớm tìm ra một hướng đi chung nhằm bảo đảm sự ổn định then chốt về an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương.