Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên

14:58, 27/07/2009

Hôm qua, Ấn Độ trình làng chiếc tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu loại vũ khí chiến lược này.

 

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chủ trì lễ hạ thủy tàu ngầm mang tên INS Arihant tại thành phố cảng Visakhapatnam. Tàu dài 112 mét và nặng 6.000 tấn, có thể phóng tên lửa đạn đạo nhắm tới mục tiêu cách nó 700 km. INS Arihant có thể chở 100 thủy thủ và được chế tạo hoàn toàn tại Ấn Độ, với sự giúp đỡ của Nga. Chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai của New Delhi sẽ được sản xuất trong thời gian sắp tới.

 

Tại lễ hạ thủy, Thủ tướng Singh cho biết sự kiện này là "một mốc lịch sử đánh dấu khả năng quốc phòng của đất nước". Ông cũng nhấn mạnh Ấn Độ không hề có ý định khiêu khích đối với bất kỳ bên nào và khẳng định họ cần thực hiện những bước đi cần thiết để "bảo vệ quốc gia và theo kịp những bước tiến về kỹ thuật trên thế giới".

 

Giới quan sát nhận định sự có mặt của tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp Ấn Độ hoàn thiện khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ đất liền, trên không và trên biển.

 

Tàu INS Arihant sẽ được thử nghiệm trong một vài năm tới trước khi triển khai chính thức. Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng của Ấn Độ cũng cho hay phải mất từ 2-3 năm nước này mới có thể sản xuất được loại tên lửa đạn đạo có thể phóng từ tàu ngầm. "Ấn Độ không thể mua chúng vì đây là loại vũ khí cấm", Rahul Bedi, nhà phân tích thuộc tạp chí Jane's Defence Weekly, nhận định.

 

Hiện chỉ có Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc có khả năng chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Giới quan sát nhận định việc hạ thủy tàu INS Arihant là một dấu hiệu rõ ràng rằng Ấn Độ muốn có đối trọng với Trung Quốc, quốc gia đang có hiện diện hải quân lớn trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ hiện có 16 tàu ngầm thông thường mua từ các quốc gia khác và phần lớn đều đã già nua.