Hàng triệu người ở châu Á đang được chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ diễn ra sáng nay. Ở Việt Nam có thể nhìn thấy nhật thực một phần.
Nhật thực bắt đầu vào lúc 5h30 (7h Hà Nội) tại thành phố Guahati, Ấn Độ. Nó di chuyển khắp Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Bhutan và Trung Quốc trước khi tới Thái Bình Dương.
Hiện tượng này cũng diễn ra ở một vài hòn đảo miền nam Nhật. Điểm cuối cùng có thể ngắm nhật thực toàn phần là tại đảo Nikumaroro ở quốc gia Kiribati trên Thái Bình Dương. Những nơi khác tại châu Á sẽ được chiêm ngưỡng nhật thực một phần.
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam quan sát được nhật thực một phần. Thời điểm bắt đầu diễn ra nhật thực là lúc 7h sáng 22/7, đạt cực đại lúc hơn 8h và kết thúc sau 9h
Địa điểm quan sát được tỷ lệ nhật thực lớn nhất là Hà Giang với tỷ lệ che khuất cực đại 75,8% vào lúc 8h11. Càng về phía Nam, tỷ lệ che khuất càng nhỏ. Ví dụ: Hà Nội 67,5%, Đà Nẵng là 46%, TP HCM 27,4%.
Nhật thực sẽ kéo dài 3 phút 48 giây ở ngôi làng Taregna, Ấn Độ, nơi các nhà khoa học tin rằng sẽ được chiêm ngưỡng rõ nhất. Hàng nghìn nhà khoa học, sinh viên và người yêu thiên văn đã tập trung tại làng này tuy nhiên, khi bình minh lên mặt trời không ló dạng vì có mây mù. Các kênh truyền hình ở đây đưa tin mây che phủ nhiều phần của Ấn Độ nơi nhật thực diễn ra. Trong khi đó, phụ nữ có thai ở Ấn Độ được khuyên không ra ngoài trời vì tin rằng nhật thực có thể ảnh hưởng tới đứa bé trong bụng.
Ở đông Trung Quốc, mưa và mây che phủ sẽ khiến nhiều người không thể ngắm hiện tượng này. Tuy nhiên, vô số người đã kéo tới thung lũng sông Dương Tử, nơi nhật thực diễn ra rõ và lâu nhất.
Lần nhật thực toàn phần lần trước diễn ra vào tháng 8/2008 kéo dài 2 phút 27 giây. Lần này, nhật thực kéo dài lâu nhất là 6 phút 39 giây. Kỷ lục về thời gian này sẽ chỉ được phá vỡ vào tháng 6/2132.