I-rắc - Mỹ: Bước vào giai đoạn mới

08:37, 26/07/2009

"Hợp tác chiến lược" và "xây dựng cơ sở hợp tác rộng lớn hơn" là điều vừa được khẳng định trong Tuyên bố chung tại Oa-sinh-tơn nhân kết thúc chuyến công du tới Mỹ trong tuần của Thủ tướng I-rắc Nu-ri An Ma-li-ki. Theo đó, Oa-sinh-tơn và Bát-đa sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, thương mại, văn hóa, khoa học và giáo dục.

 

Mỹ ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hòa giải chính trị và đoàn kết dân tộc của I-rắc để bảo đảm người dân nước này có một cuộc sống hòa bình và thịnh vượng. Quân đội Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi I-rắc theo đúng kế hoạch vào năm 2011 và Oa-sinh-tơn không tìm cách thiết lập bất cứ căn cứ quân sự nào ở I-rắc cũng như không đòi hỏi các nguồn dầu mỏ hay lãnh thổ của quốc gia vùng Vịnh này…

 

Kể từ khi lính Mỹ rút quân khỏi các thành phố của "Xứ sở nghìn lẻ một đêm", cuối tháng 6 vừa qua, thì cuộc gặp đầu tiên giữa ông N.A.Ma-li-ki và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã gợi mở nhiều điều trong tiến trình tái thiết I-rắc. Thành công của chuyến công du ngắn ngày vừa qua mà Thủ tướng N.A.Ma-li-ki có được là khẳng định một thời kỳ mới hướng tới hợp tác phi quân sự. Hai bên cũng thống nhất, dự kiến, vào tháng 10 tới sẽ tổ chức hội nghị dành cho các nhà đầu tư tiềm năng vào I-rắc. Rõ ràng, Bát-đa đang dần muốn thoát khỏi "cái bóng" của Oa-sinh-tơn trong việc xây dựng và phát triển đất nước.  

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa tới ngày tổng tuyển cử I-rắc (dự kiến tháng 1-2010), thì việc hoàn tất những mục tiêu tái thiết đất nước với người đứng đầu Chính phủ I-rắc không hề dễ dàng. Sự bình ổn tại I-rắc đang là thử thách lớn với uy tín của ông N.A.Ma-li-ki trong dân chúng. Thách thức ấy đã xuất hiện đúng thời điểm lính Mỹ rút khỏi các thành phố và thị trấn của I-rắc khi làn sóng bạo lực gia tăng trong những ngày gần đây làm dấy lên lo ngại về an ninh nước sở tại. Điển hình như 4 vụ đánh bom xảy ra trong ngày 21-7 làm hơn 100 người chết và bị thương, trở thành ngày đẫm máu nhất tại I-rắc kể từ khi lính Mỹ rút quân đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người dân với chính quyền. Theo thống kê, số vụ bạo lực ở quốc gia vùng Vịnh này đã có chiều hướng tăng trở lại kể từ khi Mỹ xúc tiến kế hoạch rút quân. Tháng 6 vừa qua đã trở thành tháng thương vong lớn nhất ở I-rắc trong gần một năm trở lại đây với 437 người thiệt mạng. Thêm vào đó, "sức nóng" của cuộc tổng tuyển cử đang tới gần, khi quân Mỹ rút đi dường như đang tạo khoảng trống cho những bất đồng giữa người Cuốc, Xi-ai và Xăn-ni bùng phát. 

 

Trên phương diện kinh tế, 6 năm đã trôi qua kể từ khi chế độ Xát-đam Hút-xen bị lật đổ nhưng I-rắc vẫn chịu ràng buộc bởi Chương 7 của Liên hợp quốc. Theo đó, chính quyền hiện tại của Thủ tướng N.A.Ma-li-ki vẫn phải dành 5% doanh thu dầu lửa (khoảng 100 triệu USD/tháng) để bồi thường cho những gì mà chính quyền trước đây gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Cô-oét năm 1990. Với một quốc gia đang rất cần nguồn tài chính để tái thiết và phát triển, số tiền ấy là không hề nhỏ…

 

Như vậy, dù có được những hứa hẹn trong chuyến công du tới Mỹ, nhưng xem ra, chính quyền của Thủ tướng I-rắc A.Ma-li-ki vẫn chưa thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ. Bát-đa vẫn sẽ phải nương tựa vào Oa-sinh-tơn để cải thiện các mối quan hệ với nhiều quốc gia láng giềng. Trước hết là Cô-oét, Thủ tướng A.Ma-li-ki muốn chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma vận động Cô-oét đồng ý miễn cho I-rắc khoản bồi thường sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990. Trên phương diện an ninh, 130 nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở I-rắc chỉ giới hạn hoạt động trong phạm vi các căn cứ quân sự. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây sẽ là một "lá bài" của Thủ tướng A.Ma-li-ki khi an ninh vượt tầm kiểm soát. Do đó, "giai đoạn mới" trong quan hệ I-rắc - Mỹ chỉ là hình thức và quốc gia vùng Vịnh này sẽ vẫn chịu sự chi phối mạnh từ bên kia bờ Đại Tây Dương.