Indonesia tiến hành bầu cử tổng thống

14:53, 08/07/2009

Sáng 8/7, cử tri khắp quốc đảo Indonesia, từ tỉnh Papua ở cực Đông đến tỉnh Aceh ở cực Tây, bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu chọn người lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới (2009 - 2014).

 

Đây là cuộc bỏ phiếu trực tiếp bầu chọn tổng thống và phó tổng thống lần thứ hai ở nước này kể từ năm 2004.

 

Tham gia tranh cử có 3 ứng cử viên, gồm đương kim Tổng thống Susilo Bambang Yhdhoyono, ứng cử viên của Đảng Dân chủ; Chủ tịch Đảng Golkar, Phó Tổng thống Jusuf Kalla và Chủ tịch Đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh, cựu Tổng thống Megawati Soekarnoputri.

 

Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia Hà Hồng Hải tham gia nhóm 54 quan chức cấp cao thuộc 26 nước châu Á và Nam Thái Bình Dương được mời làm quan sát viên.

 

Từ đảo du lịch nổi tiếng Bali, ông Hà Hồng Hải cho biết tình hình an ninh chung ở đảo này "yên tĩnh". Tại điểm bỏ phiếu mà ông cùng với 4 quan sát viên khác đã được mời đến theo dõi, ông đã chứng kiến hòm phiếu còn trống và các phong bì đựng phiếu bầu được niêm phong.

 

Theo qui định của Ủy ban Tổng tuyển cử (KPU), các cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào 13 giờ (giờ Việt Nam) ngày 8/7. Indonesia có tới ba múi giờ khác nhau với hơn 17.500 hòn đảo, và ở đảo Bali các cuộc bỏ phiếu bắt đầu sớm hơn ở thủ đô Jakarta một tiếng.

 

Cảnh sát Quốc gia Indonesia (POLRI) đã triển khai 246.000 nhân viên cảnh sát để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Riêng tại thủ đô Jakarta, cảnh sát phối hợp với chính quyền thành phố đã triển khai lực lượng 61.000 người bảo vệ an ninh trong ngày bầu cử.

 

Một ngày trước thời điểm bầu cử, tối 6/7, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã giải tỏa được một vấn đề gây căng thẳng liên quan tới danh sách cử tri. Tòa đã chấp thuận kiến nghị của hai ứng cử viên tổng thống là bà Megawati và ông Kalla, cho phép những cử tri chưa đăng ký đi bầu cử được sử dụng chứng minh thư để đi bỏ phiếu.

 

Trước khi có quyết định trên, số cử tri chính thức đăng ký đi bỏ phiếu là hơn 176 triệu người, song hiện chưa rõ con số này sẽ tăng thêm bao nhiêu, trong khi Ủy ban Tổng tuyển cử (KPU) cho biết đã in ra 179 triệu lá phiếu.

 

Ngày 7/7, Tổng thống Yhdhoyono kêu gọi nhân dân Indonesia "viết nên một trang sử mới và chứng tỏ sự trưởng thành hơn nữa của mình trong thực thi dân chủ" bằng cách tiến hành thành công cuộc bầu cử này.

 

Cùng ngày, phát biểu trước khoảng 5.000 người tham dự một buổi lễ cầu nguyện tại tỉnh Tây Java, Tổng thống Yhdhoyono bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử sẽ diễn ra suôn sẻ, hòa bình, dân chủ và trật tự.

 

Theo quy định, tại cuộc bầu cử ngày 8/7, nếu không có ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán thì Indonesia sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử vòng hai vào tháng 9 tới giữa hai ứng cử viên đạt số phiếu cao nhất tại vòng một. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận trong thời gian gần đây đều cho thấy ứng cử viên Yhdhoyono có khả năng tái đắc cử và có thể giành được từ 50 - 60% số phiếu bầu của cử tri ngay tại vòng bầu cử đầu tiên.

 

Theo các nhà phân tích, trong 5 năm qua, Indonesia đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế với mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 6% năm 2008 và trên 4% nửa đầu năm 2009. Indonesia là một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hầu hết các nước đều chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu