Chuyến hàng viện trợ quốc tế đầu tiên đã tới Đài Loan trong khi giới chức cố gắng tiếp cận hơn 1.000 người bị mắc kẹt bởi cơn bão khủng khiếp nhất trong vòng nửa thế kỷ.
Ít nhất 59 nước đề nghị viện trợ cho nạn nhân bão Morakot tại Đài Loan, trong đó Mỹ gửi các tấm áo mưa và nhà tạm, còn Australia tặng các viên lọc nước. Những người lái taxi ở thành phố Đài Bắc tình nguyện chở gạo và mì tôm tới vùng nông thôn phía nam của hòn đảo – nơi bị bão tàn phá nặng nề nhất.
Ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu chính quyền Đài Loan, cho biết, có thể hơn 500 người đã chết trong cơn bão Morakot. Ông cũng xin lỗi người dân về phản ứng chậm chạp của chính quyền đối với thảm hoạ sau khi nhiều gia đình nói rằng lẽ ra người thân của họ không mất mạng nếu nỗ lực cứu hộ của giới chức được thực hiện sớm hơn.
“Chúng tôi đã không phản ứng kịp thời. Với tư cách là lãnh đạo, tôi xin chịu mọi trách nhiệm”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Mao Chi-kuo, người chỉ đạo chiến dịch cứu hộ, cho rằng chính quyền không hề chậm trễ trong việc sơ tán dân trước bão. Ông cho rằng lượng mưa lớn chưa từng có đã gây nên tình trạng hiện nay.
"Chúng tôi hiểu người dân muốn nỗ lực cứu hộ được thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng chỉ trong 3 ngày Đài Loan hứng chịu lượng mưa tương đương với cả năm", ông nói.
Lượng mưa mà bão Morakot trút xuống phía nam Đài Loan lên tới hơn 2 m. Đây là cơn bão khủng khiếp nhất tại hòn đảo kể từ năm 1959. Ông Mao cho hay 4.224 dân làng vẫn mắc kẹt vì lở đất tính tới hôm 15/7. Nhưng chỉ trong ngày chủ nhật trực thăng đã cứu được khoảng 3.000 người. Tổng số dân được cứu từ 44 ngôi làng bị lở đất ở phía nam hòn đảo vào khoảng 35.000. Lực lượng cứu hộ chỉ có thể sử dụng trực thăng vì phần lớn cầu đã sập và các con đường bị cuốn trôi vì lở đất.