Chiến lược hòa bình Trung Đông của Mỹ tiến triển

10:15, 22/08/2009

Ngày 20/8, hãng tin AP của Mỹ có bài viết nhận định rằng chiến lược hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu có tiến triển.

 

Bằng chứng là trong mấy tháng qua, Chính phủ Israel không công bố thêm dự án xây dựng nhà ở nào tại khu Bờ Tây. Dù đây chưa phải là chấm dứt hoàn toàn hoạt động định cư như yêu cầu của chính quyền Obama, nhưng nó chứng tỏ Israel đang tìm kiếm một thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề gây bất đồng giữa hai đồng minh thân thiết này.

 

Bộ trưởng Nhà ở Israel Ariel Atias xác nhận kể từ tháng 11 năm ngoái, chính phủ nước này không cấp thêm giấy phép xây dựng mới. Trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Atias cho biết đây là một phần trong nỗ lực của Tel Aviv nhằm đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

 

Chấm dứt hoàn toàn hoạt động định cư có thể là bước đi đầu tiên trong khuôn khổ một thỏa thuận toàn diện hướng tới việc Israel trả lại toàn bộ, hoặc hầu hết những vùng đất mà họ xâm chiếm của các nước Arập trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Quan trọng nhất là Israel có thể ngừng hoạt động định cư tại một số vùng thuộc Jerusalem mà Israel đã chiếm được từ Jordan và hợp nhất với phần còn lại của thành phố này thành một thủ đô không bị chia cắt.

 

Hiện nay, khoảng 180.000 người Israel đang sinh sống ở phía Đông Jerusalem được xây dựng từ khi Israel tiếp quản.

 

Tổng thống Obama đã đạt được sự nhượng bộ lớn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong việc đồng ý với khái niệm về một Nhà nước Palestine cùng tồn tại cạnh Israel. Bước lớn tiếp theo của Tổng thống Obama đối với mục tiêu đó là nối lại các cuộc đàm phán Israel-Palestine.

 

Tổng thống Obama ngày 18/8 tuyên bố: "Tôi hy vọng sắp tới chúng ta không chỉ chứng kiến hành động của Israel mà cả của Palestine" (có ý ám chỉ rằng người Palestine phải chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào Israel).

 

Việc Tổng thống Obama kêu gọi Palestine cũng như các nước Arập nhượng bộ có thể phản ánh quan điểm của Israel cũng như những người ủng hộ Nhà nước Do Thái đòi phía bên kia cũng phải từ bỏ một phần lãnh thổ.

 

Một số nhân vật trong các giới thân Israel cho rằng ông Obama nghiêng về các nước Arập hoặc ít nhất giảm nhẹ quan điểm thân Israel mạnh mẽ của hai cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W.Bush.

 

Quan điểm đó được củng cố khi Tổng thống Obama đọc bài diễn văn tại Đại học Tổng hợp Cairo đầu tháng 6/2009, và giờ đây nó có thể được cân bằng nếu Mỹ thuyết phục được phía Arập nhượng bộ.

 

Tuy nhiên, là đồng minh truyền thống và vẫn cực kỳ thân thiết với Israel, suốt bốn thập kỷ nỗ lực hòa bình vừa qua, Mỹ rất khó đảm nhận vai trò của một nhà trung gian hòa giải. Điều đó đòi hỏi phải "vừa đấm vừa xoa" cả hai bên và Tổng thống Obama đang thử làm theo cách đó.