Hai ứng cử viên cùng tuyên bố thắng cử

14:39, 22/08/2009

Hãng tin Pháp AFP dẫn kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại chỗ sau cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan (diễn ra ngày 20/8) cho biết, không có ứng cử viên nào giành được số phiếu ủng hộ quá bán.

 

Trong khi đó, các quan chức bầu cử Afghanistan cho biết tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là khoảng 40-50%, thấp hơn nhiều so với con số 70% trong cuộc bầu cử năm 2004.

 

Một số nhà quan sát tại chỗ nhận định tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở một số địa phương miền Nam Afghanistan, trong đó có căn cứ trước đây của Taliban là Kandahar chỉ vào khoảng 10%. Những yếu tố trên cho thấy Afghanistan khó tránh khỏi một cuộc bầu cử vòng hai, điều đã được dư luận tiên đoán.

 

Tuy nhiên, ngày 21/8, cả hai ứng cử viên tiềm tàng nhất là đương kim Tổng thống Hamid Karzai và cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah đều tuyên bố giành chiến thắng.

 

Ông Din Mohammed, phụ trách chiến dịch tranh cử của Tổng thống Karzai, dẫn các kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho biết đương kim Tổng thống đã giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ và khẳng định sẽ không phải bước vào vòng đua tranh thứ hai. Ngay lập tức, ông Abdullah đã bác bỏ tuyên bố trên, đồng thời khẳng định với báo chí rằng "Tôi dẫn đầu với hơn 50% số phiếu ủng hộ".

 

Trước tình hình này, đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan, ông Richard Holbrooke đã kêu gọi các bên bình tĩnh chờ đợi kết quả bầu cử chính thức, sẽ được công bố sau hai tuần nữa. Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 cũng ra tuyên bố kêu gọi các ứng cử viên kiên nhẫn chờ kết quả chính thức.

 

Các nhà quan sát bầu cử cho rằng Afghanistan sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát tình trạng chia rẽ sắc tộc nếu ông Karzai, thuộc sắc tộc Pashtun, và ông Abdullah, được người Tajik ở miền Bắc ủng hộ, phải định đoạt chiến thắng bằng một vòng bầu cử nữa, và tình trạng tranh cãi về kết quả bầu cử sẽ dẫn đến rối loạn xã hội.

 

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời các quan chức FEFA - một cơ quan giám sát độc lập của Afghanistan cho biết dựa theo các báo cáo của các quan sát viên, chất lượng cuộc bầu cử ngày 20/8 là đáng lo ngại.

 

Trong khi đó, theo các quan sát viên của Viện Cộng hòa quốc tế (IRI), có trụ sở chính tại Mỹ, đã có một số vấn đề an ninh nghiêm trọng xảy trong ngày bầu cử, nhưng cuộc bầu cử vẫn được xem là đáng tin cậy.