Hơn 120 người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon triệu tập vào ngày 22/9.
Đây là một hội nghị chuyên đề của Liên hợp quốc có số lượng cao nhất các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự từ trước đến nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, số lượng đông đảo các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự hội nghị cho thấy các nước đều rất quan tâm đến vấn đề cực kỳ khẩn cấp này của thế giới. Ông cho biết mục đích của hội nghị là nhằm huy động sự ủng hộ chính trị ở cấp cao nhất của các nước đối với nguy cơ đang đe dọa toàn nhân loại.
Tổng Thư ký cũng đã kêu gọi chính phủ các nước cam kết chống biến đổi khí hậu tại hội nghị này, từ đó tiến tới một hiệp định mới đầy tham vọng về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.
Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), gồm 42 quốc đảo nhỏ và các nước có bờ biển thấp, phối hợp với Nhóm các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC), cũng đã ra tuyên bố tại Liên hợp quốc khẳng định sẽ đạt được một hiệp định mới về biến đổi khí hậu trong hội nghị sắp tới ở Copenhagen.
Với nhiệt độ Trái Đất tăng 0,8 độ C, hiện các nước này đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề như xói mòn bờ biển, lũ lụt, mất lãnh thổ do nước biển dâng cao ăn sâu vào đất liền và sự biến mất của các dải san hô cũng như các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác.
Thư ký chấp hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Yvo de Boer, nhận định Hội nghị về chống biến đổi khí hậu ở
Theo ông, Trung Quốc sẽ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ giữ vai trò thúc đẩy thành công của Hội nghị.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - người đang chỉ đạo thực hiện Sáng kiến về khí hậu của Liên hợp quốc, bày tỏ hy vọng bế tắc lâu nay trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu sẽ được phá vỡ.
Ông cho rằng hiệp định mới về biến đổi khí hậu sẽ làm tổng thu nhập nội địa của toàn thế giới tăng 0,8% và tạo thêm được hơn 10 triệu việc làm mới nếu các nước đang phát triển tham gia Hiệp định mới về biến đổi khí hậu.
Dự kiến, sắp tới Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ công bố kế hoạch mới của nước này chống biến đổi khí hậu. Nhật Bản cam kết giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 trong khi EU cam kết giảm 30% lượng khí thải nếu các nước giàu khác cũng thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ tiêu giảm khí thải.
Mỹ cũng đã điều chỉnh nền kinh tế trong nước sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái sinh, đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm và giảm lượng khí thải của các phương tiện giao thông.