Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt, bốn ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il xác nhận sẵn sàng tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Trả lời câu hỏi Trung Quốc bình luận gì về tuyên bố của ông Kim, người phát ngôn Bộ trên, bà Khương Du khẳng định: "Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên sáng sủa hơn". Bà Khương Du cũng bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ phối hợp làm việc, tăng cường thông tin liên lạc nhằm đưa vấn đề hạt nhân trở lại bàn đàm phán và đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã bày tỏ mong muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương và đa phương nhằm giải quyết mâu thuẫn hạt nhân hiện nay. Ông Kim đưa ra tuyên bố này trong chuyến thăm Triều Tiên tuần trước của ông Đới Bỉnh Quốc, đặc phái viên của Chủ tịch nước Trung Quốc.
Theo bà Khương Du, các ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp nhau ngày 28/9 tới tại Thượng Hải nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên, và nhiều khả năng nội dung thảo luận sẽ đề cập tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tại Seoul, văn phòng Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng cho biết nội dung các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những vấn đề an ninh như tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo một phái đoàn quân sự của nước này do Thứ trưởng Quốc phòng Pak Jae-gyong, một người thân tín với nhà lãnh đạo Kim Jong-il, dẫn đầu đã lên đường sang Trung Quốc. Chuyến đi của ông Pak diễn ra ít ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp đặc phái viên Đới Bỉnh Quốc tại Bình Nhưỡng.
Báo giới Hàn Quốc bình luận cuộc gặp với ông Đới Bỉnh Quốc cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc làm trung gian giải quyết bế tắc trong quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ. Dự kiến, các cuộc đàm phán tại Trung Quốc sẽ liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên đã rời bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa hồi tháng Tư vừa qua sau khi bị Liên hợp quốc trừng phạt vì tiến hành vụ phóng gây tranh cãi. Triển vọng nối lại đàm phán càng trở nên mờ mịt hơn khi Liên hợp quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới sau vụ thử hạt nhân lần thứ hai hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, mới đây