G8 ra tối hậu thư cho Iran

07:53, 25/09/2009

Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8) vừa ra tối hậu thư cho Iran về vấn đề hạt nhân.

 

Theo lời Ngoại trưởng Italia Franco Frattini phát biểu ngày 24/9, nhóm G8 cho Iran thời hạn đúng 3 tháng kể từ nay tới cuối năm 2009 để đưa ra cam kết ngừng chương trình làm giàu uranium của mình.

 

Theo Ngoại trưởng Italia - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên nhóm G8 - ngoại trưởng cả 8 nước thành viên đã nhất trí với nhau về thoả thuận 3 tháng đối với Iran.

 

"Thoả thuận này theo tôi là hợp lý. Sau khi hết tháng 12/2009, tôi thực sự kỳ vọng rằng sẽ có một động thái thực tế và cải thiện hơn từ phía Iran", Ngoại trưởng Italia Frattini phát biểu.

 

Chương trình hạt nhân của Iran là tâm điểm cuộc thảo luận phi hạt nhân tại phiên họp Đại hội đồng LHQ hôm 24/9.

 

Tại phiên thảo luận, Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng, trong một số trường hợp, cấm vận là “không thể tránh khỏi”. "Chúng ta cần giúp Iran đưa ra những quyết định đúng đắn”, ông Medvedev nói sau khi gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp LHQ tại New York.

 

Nhà Trắng đã hoan nghênh động thái này. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho hay: “Việc Nga sẵn sàng đóng một vai trò tích cực hơn là điều vô cùng quan trọng”.

 

Giới quan sát nhận xét, sự thay đổi của Nga có thể ảnh hưởng từ việc Mỹ tuyên bố từ bỏ triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở gần biên giới Nga. Ngay sau khi chứng kiến thiện chí của phía Mỹ, Nga cũng đã đáp lại bằng cách tuyên bố ngừng triển khai tên lửa gần Ba Lan và cùng phương Tây lên án Iran sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lại vừa nhắc lại phát biểu trước đây của mình rằng sự diệt chủng người Do thái trong thế chiến thứ Hai là giả dối.

 

Ngược lại với Nga, Trung Quốc không ủng hộ cấm vận Iran. Bắc Kinh khẳng định, việc áp dụng biện pháp trừng phạt Iran không phải là cách đúng đắn để giải quyết những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

 

Theo giới phân tích, công nghiệp dầu khí của Iran dường như sẽ ảnh hưởng nếu bị cấm vận cứng rắn hơn. Điều này có thể giải thích tại sao Trung Quốc không ủng hộ gia tăng trừng phạt.

 

Theo Ngoại trưởng Italia, chỉ có cách đưa ra cam kết ngừng chương trình làm giàu uranium trong vòng 3 tháng tới thì Iran mới có thể tránh khỏi lệnh cấm vận và các trừng phạt.

 

Iran luôn tuyên bố làm giàu uranium để phục vụ cho các nhà máy điện nhưng một số nước phương Tây cho rằng Tehran có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. 3 nước EU là Anh, Pháp và Đức đã đi đầu trong các cuộc thương thuyết với Iran về chương trình hạt nhân nước này. Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng có mặt trong các vòng đàm phán với Iran.

 

Về năng lực hạt nhân của Iran, mới cách đây vài ngày, IAEA vừa cho biết rằng quá trình làm giàu uranium của Iran đang chậm lại so với trước. Việc quá trình làm giàu uranium của Iran đang chậm lại so với trước được IAEA đánh giá là một bước tiến bộ từ phía Iran mà cơ quan này vẫn mong đợi.

 

Tuy nhiên, IAEA cho rằng dường như năng lực để có thể chế tạo bom hạt nhân của Iran lại có vẻ tăng lên đáng kể. IAEA cho rằng Iran có thể đã đang tiến hành các nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc chế tạo bom hạt nhân và dường như họ đã đạt được một số kết quả nghiên cứu. IAEA cho rằng trong vài tháng gần đây, Tehran đã gia tăng năng lực sản xuất rất đáng kể bằng việc lắp đặt thêm và đưa vào vận hành hàng trăm lò ly tâm mới.