Nga để ngỏ khả năng trừng phạt mới với Iran

11:52, 24/09/2009

Ngày 23/9, tại New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nhất trí rằng sẽ phải tính đến các biện pháp trừng phạt hơn nữa của Liên hợp quốc đối với Iran nếu quốc gia này không đáp ứng các đề xuất nhằm chấm dứt sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân.

 

Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Nga, ông Obama nói "Iran đã vi phạm quá nhiều cam kết quốc tế". Trong khi đó, ông Medvedev bày tỏ rõ ràng rằng Mátxcơva sẵn sàng ủng hộ các biện pháp cấm vận hơn nữa đối với Iran trừ phi nước này thay đổi cách giải quyết đối với chương trình hạt nhân của mình.

 

Theo ông Medvedev, "các biện pháp trừng phạt hiếm khi có tác dụng nhưng đôi khi việc đưa chúng ra là điều không tránh khỏi", mặc dù Nga trước nay nói chung vẫn miễn cưỡng ủng hộ các biện pháp trừng phạt như vậy.

 

Trước đó, trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã cảnh báo Iran rằng Tehran sẽ "phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân quân sự".

 

Sáu cường quốc (bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) có mặt tại Liên hợp quốc đã đề xuất trao cho Iran gói hỗ trợ về chính trị và kinh tế nếu như họ chám dứt việc làm giàu uranium, nhưng Tehran chưa có phản hồi chính thức.

 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, Tổng thống Pháp Sarkozy cho rằng cần phải thiết lập "thời hạn chót" vào tháng 12 tới để Iran thể hiện sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

 

Dự kiến 6 cường quốc nói trên và Iran sẽ ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 1/10 tới và đây sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa họ kể từ tháng 7/2008.

 

Ngoại trưởng 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an và một quan chức Đức đã gặp nhau tại Liên hợp quốc để tiếp tục thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran mà phương Tây nghi ngờ nhằm sản xuất vũ khí nguyên tử.

 

Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Anh David Miliband đã đọc một tuyên bố được cả 6 nước nhất trí, trong đó nêu rõ "Chúng tôi chờ đợi một phản hồi nghiêm túc từ Iran và sẽ quyết định về biện pháp tiếp theo sau cuộc đàm phán ngày 1/10 tới."

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu rõ Mỹ và các đồng minh rất nghiêm túc về "phương tiếp cận hai chiều" với Iran - vừa theo đuổi đàm phán vừa xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Tehran phớt lờ các yêu cầu của Liên hợp quốc về việc chấm dứt chương trình làm giàu uranium của mình.

 

Cho đến nay, Tehran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ các mục đích hòa bình như phát triển điện hạt nhân, đồng thời từ chối đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Bảo an chấm dứt mọi hoạt động hạt nhân, bao gồm cả việc làm giàu uranium.

 

Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Miliband tại Liên hợp quốc.

 

Phát biểu sau đó, ông Mottaki nói "các nước phương Tây đã biết rõ rằng các biện pháp trừng phạt là một chính sách thất bại". Liên quan chương trình hạt nhân của Iran, đến thời điểm này Liên hợp quốc đã áp đặt 3 lệnh trừng phạt.