Tám năm sau Ngày đen tối, bài học nào dành cho Mỹ?

08:13, 11/09/2009

Khắp nước Mỹ, ký ức về 11/9, ngày thứ Ba định mệnh năm 2001 khi những kẻ tấn công liều chết tấn công New York và Washington vẫn còn rất sống động.  

 

Năm nay, ngày kỷ niệm nước Mỹ bị tấn công có một cái tên mới - Ngày lễ Quốc gia và Tưởng niệm. Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle đã kêu gọi người dân nước này thực hiện các buổi lễ cộng đồng như cách để tôn vinh "những người hùng trong ngày đen tối".

 

Đương đầu với "di sản" 11/9 là một trong những thách thức khó khăn nhất với Obama. Có thể sự kiện 11/9 tương tự sẽ không lặp lại trên đất Mỹ, nhưng ở khắp nơi thế giới, al-Qaeda và mọi chi nhánh cực đoan của mạng lưới này vẫn đang hoạt động.

 

Những sự kiện gần đây cho thấy nguy cơ toàn cầu vẫn hiện diện:

 

- Vụ đánh bom kép vào hai khách sạn cao cấp tại Thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tháng 7

 

- Vụ ám sát hụt hoàng thân Ảrập Xêút, trợ lý và cũng là con trai của Bộ trưởng Nội vụ nước này.

 

- Phiên tòa trong tuần xét xử ba người Hồi giáo tại Anh do liên quan đến âm mưu đánh bom máy bay xuyên Đại Tây Dương năm 2006.

 

Hầu hết các chuyên gia phân tích đều nhất trí rằng, al-Qaeda suy giảm nhưng không biến mất. Suy giảm là do nỗ lực chống khủng bố không ngừng của Mỹ và các đồng minh, nhiều thủ lĩnh tầm trung của nhóm này đã thiệt mạng trong các trận không kích của Mỹ. Ở hai nước từng là nơi hoạt động mạnh của mạng lưới khủng bố - Iraq và Ảrập Xêút - al-Qaeda dường như chỉ nỗ lực co cụm phòng thủ.

 

Nhưng cùng lúc đó, trong cuộc chiến giành con tim khối óc của người Hồi giáo toàn cầu, al-Qaeda làm tốt hơn đối thủ. Hệ tư tưởng của mạng lưới này vẫn có sức hút mạnh mẽ với các thanh niên Hồi giáo khắp thế giới.

 

Vùng tâm chấn

 

Mặt trận chính chống chủ nghĩa khủng bố hiện nay là khu vực xa xôi, bất ổn dọc biên giới Afghanistan-Pakistan. Đó không chỉ là nơi Osama Bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri, được cho là ẩn náu. Đối với những chiến binh thánh chiến, Afghanistan, Pakistan - và có lẽ cả Ấn Độ - giờ đây tỏ ra "hứa hẹn" hơn Iraq.

 

Al-Qaeda vẫn hoạt động tại Bắc Phi, Yemen và một số khu vực thuộc đông nam châu Á. Và theo lời khai của những người tình nghi âm mưu đánh bom máy bay xuyên Đại Tây Dương, al-Qaeda vẫn tiếp tục hướng tới châu Âu, sử dụng những thanh niên Hồi giáo "lớn lên tại chính nơi này" kể cả những người cải đạo.

 

Và, nếu có một nhân tố mới xuất hiện trong bức tranh trên, thì đó là Barack Obama. Cuộc bầu cử của ông đã tạo ra một cuộc tấn công mạnh mẽ từ cỗ máy thông tin của al-Qaeda. Ayman al-Zawahiri đã chỉ trích Obama, người có cha theo đạo Hồi, đang phản bội thế giới Hồi giáo. Điều này khiến các phần tử thánh chiến coi Tổng thống Mỹ là mục tiêu lớn hơn cả người tiền nhiệm George W Bush.

 

Về phần mình, Obama đã nhanh chóng tiếp cận với thế giới Hồi giáo, và coi đó là việc làm ưu tiên từ những ngày đầu nhậm chức. Ông bỏ rơi cụm từ "chiến tranh chống khủng bố" và những kiểu diễn đạt khác mà ông cho là phản tác dụng.

 

Trong bài phát biểu được công bố rộng rãi tại Đại học Cairo hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ đề cập tới "sự khởi đầu mới" trong quan hệ giữa người Hồi giáo và Mỹ.

 

Bài học nào cho Mỹ?

 

Obama cam kết rút hết quân Mỹ khỏi năm 2012 - và mô tả tình hình của người Palestine là "không chịu đựng nổi". Nhưng, ba tháng trôi qua, thậm chí cả người Hồi giáo hoan nghênh bài phát biểu của ông vẫn tỏ ý nghi ngờ.

 

Họ chứng kiến việc Israel tiếp tục xây dựng thêm nhiều khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, họ nghe thấy quan chức Mỹ đe dọa Iran về "lệnh cấm vận cứng rắn hơn" và họ thấy chiến lược gia tăng lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

 

"Ngôn ngữ là của Obama", một nhà bình luận Hồi giáo người Mỹ cho biết. "Nhưng hành động lại giống Bush".

 

Trong khi đối phó với sự nghi ngờ từ người Hồi giáo với phương Tây, Tổng thống Mỹ lại đứng trước thách thức mới - ấy là người phương Tây hoài nghi đạo Hồi. Rất nhiều người tin rằng, có thể xảy ra xung đột giữa các nền văn minh.

 

Hàn gắn những bất hòa giữa người Hồi giáo và người phương Tây không phải là chuyện một sớm một chiều.

 

Viết trên Newsweek, nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ, Ryan Crocker đưa ra các bài học sau sự kiện 11/9. Ông Crocker gần đây đã nghỉ hưu sau gần bốn thập niên phụng sự cho Bộ Ngoại giao Mỹ, từng là Đại sứ ở Kabul và gần đây nhất là Baghdad.

 

Ông viết: "Người Mỹ vẫn chưa hiểu rằng, áp đặt bản thân chúng ta vào những xã hội thù địch hoặc bạo loạn ko phải là một giải pháp".

 

Crocker nhấn mạnh: "Thói kiêu ngạo và ngu dốt của các cường quốc hống hách có thể viết lên một câu chuyện mới về sự sỉ nhục và ươm mầm cho lời kêu gọi báo thù trong nhiều thế kỷ tới kể từ hiện tại".

 

Ông cho rằng, những gì cần thiết là ’’kiên nhẫn chiến lược", điều mà người Mỹ xưa nay "khó thực hiện được".