Tân thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ tổ chức lại chính phủ để giải quyết một loạt thách thức trước mắt, như nạn thất nghiệp tăng kỷ lục, dân số ngày càng già cỗi, và lôi nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng.
Cuộc bầu cử Hạ viện mang tính lịch sử của Nhật Bản hôm 30/8 đã kết thúc bằng việc đảng đối lập chiếm số ghế áp đảo ở hạ viện, để lại cho liên minh cầm quyền chỉ 140 trên 480 số ghế.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho rằng thất bại này là do dân chúng chán nản và sự thay đổi liên tục người đứng đầu các đảng trong liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, Naoto Kan, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản cho rằng thất bại của đảng Dân chủ Tự do là do thờ ơ với ý kiến của dân chúng và bất lực trong việc giảm bớt các nỗi lo của người dân. Lời kêu gọi thay đổi cải tổ chính phủ, cùng với chiêu thức vận động hiệu quả đã giúp đảng Dân chủ Nhật Bản thắng được đảng Dân chủ tự do.
Sau thắng lợi vang dội, đảng Dân chủ Nhật Bản đối mặt với một nhiệm vụ không hề dễ dàng, khi phải lãnh đạo một đất nước đầy biến động về chính trị. Đảng Dân chủ Nhật Bản cùng liên minh sẽ lâm vào tình thế khó xử nếu không thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm sau. Nhận thức rõ về những khó khăn chính trị trước mắt, Yukio Hatoyama, người đứng đầu đảng Dân chủ Nhật Bản, cho biết đảng của ông sẽ gắn chặt với chính sách thành lập liên minh chính phủ với đảng Dân chủ xã hội và đảng Nhân dân mới, cho dù riêng đảng Dân chủ Nhật Bản đã chiếm được đa số ghế trong Hạ viện.
Theo China Daily, trước nhiệm vụ đưa nền kinh tế Nhật Bản trở về quỹ đạo phát triển, đảng Dân chủ Nhật Bản sẽ cần phải giải quyết một loạt những thách thức trước mắt. Có thể đảng này sẽ thực hiện một số cải cách triệt để đối với bộ máy hành chính quan liêu, kể cả trong việc thay đổi nhân sự hay trong ý thức quản lý. Tuy nhiên, nền chính trị bè phái lâu đời theo truyền thống Nhật Bản rất khó để có thể được cải tổ trong một thời gian ngắn.
Dù thế nào, khôi phục lại nền kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ Nhật Bản, khi tỷ lệ thất nghiệp đang cao kỷ lục và các nhà đầu tư lo ngại liệu chính phủ mới có tiếp tục gia tăng chi tiêu hay không, trong tình trạng nợ cộng đồng đang ở mức khổng lồ.
Bộ trưởng Kinh tế Yoshimasa Hayashi đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát và thúc giục chính phủ mới xem xét kỹ lưỡng các biện pháp kích thích mà bộ đưa ra để giúp Nhật Bản vượt qua được cơn khủng hoảng toàn cầu.
Về mặt trận ngoại giao, chính phủ do đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền có thể sẽ duy trì liên minh lâu năm với Mỹ cho dù có một chút bất đồng về quân sự. Người ta cũng cho rằng chính phủ mới sẽ nỗ lực để đạt mục tiêu cân bằng vị thế với Mỹ và giảm sự triển khai quân sự của Mỹ trên lãnh thổ. Ngoài ra, làm thế nào để song song tồn tại với Trung Quốc và tăng cường tập trung vào châu Á sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình ngoại giao của chính phủ mới.