Cảm nhận Hàng Châu

16:40, 19/10/2009

Hàng Châu từ lâu đã được coi như là một địa danh du lịch nổi tiếng nhất Trung Quốc với Tây Hồ thấm đẫm thi ca, cảnh sắc huyền ảo như thực, như mơ níu lòng du khách. Vậy nên dù ai đó đã đến với Hàng Châu nhiều lần thì vẫn luôn là mới mẻ với vùng đất của những danh thắng có một không hai này.

 

Hàng Châu là Thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, một địa phương ven biển phía Đông Trung Quốc. Vùng đất này vào thời nhà Thương là nơi cư ngụ của những cư dân Việt (Đông Việt, Âu Việt). Đến thời Việt Vương Câu Tiễn, vùng đất này đã phát triển rất hưng thịnh, đánh bại nước Ngô ở phương Bắc. Cuối đời Hán, vùng Chiết Giang là địa bàn thuộc nước Ngô, một trong 3 nước thời Tam Quốc. Thời Nam Tống, Chiết Giang mà nổi bật là Hàng Châu đã là kinh đô của nhà Nam Tống, có sự phát triển cực thịnh. Hàng Châu khi đó đã rất nổi tiếng trên thế giới với nhiều thắng cảnh đẹp và sự giàu có… Ngày nay, Chiết Giang là địa phương phát triển và giàu có, đứng hàng thứ 4 Trung Quốc về tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh có diện tích trên 100 nghìn km2, dân số trên 47 triệu người. 

 

Hàng Châu trong khoảng 1.000 năm trở lại đây là một trong những thành phố nổi tiếng và thịnh vượng bậc nhất Trung hoa Đại lục. Danh thắng nổi tiếng nhất của Hàng Châu và cũng là của Trung Quốc là Tây Hồ. Tây Hồ rộng chừng hơn 6,3 km2, chiều dài 3,3 km, chỗ rộng nhất trên 2,8 km. Tương truyền Tây Hồ là hoá thân của Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc. Kể từ thời cổ đại, Tây Hồ luôn gắn với nhiều thi nhân, mặc khách nổi tiếng Trung Hoa, trong đó có nhiều nhà thơ, nhà triết học, các vị anh hùng dân tộc. Vậy nên Tây Hồ không những là một danh thắng tuyệt mỹ, là thiên đường nơi hạ giới mà còn là địa danh mang đậm chất sử thi của nền văn minh Trung Hoa. Nhà triết học nổi tiếng Cát Hồng thời Đông Tấn, nhà thơ Lạc Tân Vương đời Đường đã từng sống và viết lên nhiều tác phẩm để lại cho đời sau tại Tây Hồ. Đặc biệt nhà thơ và cũng là Thứ sử nhà Tống Tô Đông Pha và nhà thơ, kiêm Thứ sử đời Đường Bạch Cư Dị khi đến làm quan tại tại Hàng Châu. Hai ông đã cho dân đắp hai con đê tại Tây Hồ để khắc phục lũ lụt và tạo nguồn nước dồi dào để dân cấy trồng, đồng thời cũng tạo thêm vẻ đẹp cho Tây Hồ. Về sau, để tưởng nhở công lao của 2 vị quan và cũng là 2 nhà thơ lớn đã có công tu bổ Tây Hồ, 2 con đê đó đã được gọi theo tên các ông là Tô đê và Bạch đê. Dạo chơi vãn cảnh Tây Hồ trên những con đường sương giăng, liễu cuốn, đậm chất thi ca mà tiền nhân để lại đã mang đến cho du khách cảm giác như được đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời nửa mơ, nửa thực để trở về thủa hồng hoang, nguồn cội.

 

Thăm Tây Hồ, du khách không thể không chiêm ngưỡng mười cảnh đẹp nhất nơi đây đã được đưa vào sử sách đó là: Tô đê xuân hiểu (sáng xuân trên Tô đê), Liễu lãng văn oanh (chim oanh hót trong bụi liễu), Hoa cảng quan ngư (xem cá tại ao hoa), Khúc viện phong hà (hương sen thổi nhẹ tại sân cong), Nam bình văn chung (chuông chiều ở núi Nam Bình), Bình hồ thu nguyệt (trăng mùa thu trên hồ yên tĩnh), Lôi phong tịch chiếu (tháp Lôi Phong trong ánh sáng chiều), Tam đàn ấn nguyệt (ba đầm nước phản chiếu ánh trăng), Đoạn kiều tàn tuyết(tuyết còn sót lại trên cầu gẫy), Song phong sáp vân(hai ngọn núi đâm vào mây). Tây Hồ còn nổi tiếng với miếu thờ danh tướng, anh hùng dân tộc thời Nam Tống Nhạc Phi; mộ Võ Tòng, hảo hán trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc …

 

Du khách đến với Hàng Châu, Tây Hồ cũng không thể quên không thăm nơi trồng và chế biến chè Long Tỉnh nổi tiếng nhất Trung Quốc và được xem như là Quốc trà và mua sắm các sản phẩm tơ lụa nổi tiếng. Sản phẩm tơ lụa Hàng Châu đã có từ lâu đời gắn liền với đời sống của người dân với nghề trồng dâu, nuôi tằm.  Sản phẩm tơ lụa Hàng Châu từ thời Trung Hoa cổ đại đã được buôn bán, trao đổi trên khắp thế giới. Trà Long Tỉnh là loại trà nhiều chất bổ dưỡng, có công dụng chữa bệnh cao.

 

Do được sống trong môi trường thuận lợi, thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, là nơi kết tinh của đất trời, có nhiều sản vật, nên con gái dân xứ trà Long Tỉnh, Hàng Châu (Giang Nam xưa) được trời phú cho nước da trắng ngần, thơm ngát, giọng nói oanh vàng, quyến rũ. Đây cũng là mảnh đất sinh ra nhiều mỹ nhân nổi tiếng, trong đó có Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại. Lịch sử Trung Quốc đời Thanh đã ghi nhận Hoàng đé Càn Long đã tuần thú Giang Nam tới 6 lần cũng chỉ vì nơi đây cảnh đẹp, người đẹp vào loại đệ nhất Trung Hoa. Ngày nay, Hàng Châu cũng là một trong mười thành phố đẹp, có chất lượng cuộc sống vào loại cao nhất Trung Quốc. Vậy nên được sống tại Hàng Châu là niềm mơ ước của người dân Trung Quốc từ xưa đến nay với câu thành ngữ nổi tiếng: Sinh ở Tô Châu, ăn ở Quảng Châu, sống ở Hàng Châu, chết ở Liễu Châu.

 

Là một địa danh nổi tiếng về văn hoá, lịch sử và danh lam thắng cảnh, ngày nay, Hàng Châu còn là một địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, theo hướng hiện đại, hài hoà và khoa học để tạo nên đời sống kinh tế phát triển, nhưng luôn tôn trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị thiên nhiên, văn hoá, lịch sử vốn có. Vì thế dù thời gian có qua đi nhiều thế kỷ, thậm chí cả thiên niên kỷ thì khi ai đó đến nơi đây vẫn cảm nhận được một Hàng Châu cổ kính xưa và Hàng Châu hiện đại đang ngày càng đổi mới. Nét độc đáo ấy đã mang lại danh tiếng cho Hàng Châu là một trong những thành phố có chất lượng cuộc sống và kinh doanh tốt nhất Trung Quốc.