Đại Hội đồng LHQ hối thúc Mỹ bỏ cấm vận Cu-ba: Cuộc chiến bền bỉ

08:19, 30/10/2009

Ngày 28/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) một lần nữa đồng loạt khẳng định ủng hộ nhân dân Cu-ba khi lên án và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính áp đặt lên nước láng giềng này trong gần nửa thế kỷ qua.

 

 Đây là năm thứ 18 liên tiếp Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết "Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cu-ba" với sự ủng hộ của đa số tuyệt đối (187/192) các nước thành viên LHQ, chỉ có 3 phiếu chống (Mỹ, I-xra-en và Bê-lao) và 2 phiếu trắng (Mi-crô-nê-xi-a và quần đảo Mác-san). Số phiếu ủng hộ trong năm nay tăng 2 phiếu so với năm ngoái. Điều này chứng tỏ, đa số các nước trên thế giới đứng về phía nhân dân Cu-ba, đòi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đơn phương với Cu-ba.

 

Số nước ủng hộ Cu-ba chiếm tuyệt đại đa số thành viên LHQ cho thấy sự phản đối trên phạm vi toàn cầu trước việc Mỹ tiếp tục cấm vận chống Cu-ba kéo dài qua nhiều đời tổng thống. Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 10-2009 đã phê phán chính sách áp đặt cấm vận của Mỹ chống Cu-ba, coi đó là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Cu-ba và khó khăn cho đời sống của nhân dân nước này, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đại sứ yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách cấm vận chống Cu-ba nhằm giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho các nỗ lực xây dựng tiến tới sớm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vì lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực.

 

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại chống Cu-ba vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Lệnh cấm vận đã khiến Cu-ba thiệt hại tới hơn 236 tỷ USD. Mặc dù bao vây, cấm vận Cu-ba trong suốt 47 năm qua, nhưng thật trớ trêu, nhiều người Mỹ lại cho rằng, chính nước Mỹ mới phải trả giá lớn hơn vì cuộc cấm vận. Tháng 12-2008, đại diện lãnh đạo các tổ chức doanh nhân Mỹ đã ký chung bức thư thúc giục Tổng thống B.Ô-ba-ma bỏ cấm vận chống Cu-ba. Bức thư nêu rõ, nền kinh tế Mỹ hằng năm đã mất đi khoảng 1,2 tỷ USD vì cấm vận Cu-ba. Còn Quỹ Chính sách Cu-ba - CPF (do một cựu đại sứ Mỹ điều hành) lại đánh giá mức thiệt hại cao hơn. Đó là hằng năm Mỹ thiệt khoảng hơn 4,84 tỷ USD do bị mất các khoản bán hàng và xuất khẩu sang Cu-ba. Trong khi đó, bất chấp sự bao vây, cấm vận kéo dài của Mỹ, đất nước Cu-ba vẫn tồn tại, phát triển. Trong đó, Cu-ba đã đạt một số thành tựu về xã hội như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực cho người dân... Hơn thế, việc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) mới công bố đánh giá trữ lượng dầu mỏ của Cu-ba có thể lên đến 20 tỷ thùng dầu (Mỹ có trữ lượng khoảng 29 tỷ thùng dầu) đã tạo cú sốc mới với Oa-sinh-tơn.

 

Một chuyên gia về Cu-ba ở Đại học Nebraska - Omaha (Mỹ) nhận xét: "Với trữ lượng dầu mỏ như vậy, cục diện trong cuộc đối đầu giữa Mỹ - Cu-ba sẽ thay đổi. Một khi Cu-ba tự chủ được về kinh tế, lệnh cấm vận của Mỹ coi như không còn tác dụng nữa". Bên cạnh đó, việc những nhân vật chính trị Mỹ có tiếng và nhiều ảnh hưởng như ông R.Lu-ga, Thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa, phản đối lệnh cấm vận Cu-ba đã buộc Nhà Trắng phải suy tính. Cuối tháng    2-2009, ông R.Lu-ga đã làm dư luận bất ngờ khi tuyên bố: "Sau 47 năm, lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ với Cu-ba đã không đạt được cái mục tiêu gọi là "đem nền dân chủ đến cho nhân dân Cu-ba". Lệnh trừng phạt đó chỉ khiến người dân Cu-ba hy sinh nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước".

 

Chính vì vậy, kể từ khi chính thức nhậm chức tổng thống hồi tháng giêng vừa qua, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã có những quyết định nhằm làm dịu căng thẳng trong quan hệ với Cu-ba. Tuy nhiên, dù cam kết cải thiện quan hệ với Cu-ba nhưng đầu tháng 9 vừa qua, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã ký lệnh gia hạn cấm vận chống Cu-ba thêm một năm nữa.

 

Trong 20 năm gần đây, nền chính trị thế giới đã có nhiều biến đổi lớn, kinh tế thế giới cũng đã phát triển vượt bậc. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cu-ba rõ ràng đã trở nên quá ư lạc hậu, đi ngược lại trào lưu phát triển của thế giới, ngược lại với chính các tuyên bố bảo vệ quyền con người của chính quyền Mỹ. Việc Đại hội đồng LHQ với đa số phiếu tuyệt đối hối thúc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cu-ba đã minh chứng điều đó.