Diễn ra không quá rầm rộ, song Hội nghị thượng đỉnh lần này của SCO lại hứa hẹn những kết quả thực chất
Hôm nay (14/10) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Khởi nguồn là một nhóm hợp tác về an ninh chung, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu, SCO đang tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh tế- thương mại.
Được thành lập từ năm 2001 và có những bước hợp tác đột phá đầu tiên từ năm 2003, SCO trải qua một thời gian hình thành và phát triển không hề dài là 8 năm nhưng đã gặt hái được nhiều thành công. Có thể đánh giá chung là SCO đã đạt tới một cấp độ đồng thuận khá lớn cả về hợp tác chính trị- an ninh lẫn kinh tế- thương mại. Cơ cấu tổ chức nhỏ vừa với 6 quốc gia thành viên, không có nhiều mâu thuẫn về mặt lợi ích cùng nhiều điểm tương đồng cơ bản là những yếu tố khiến SCO được một số nhà phân tích coi là “đề án quốc tế thành công nhất” trong 10 năm qua. Đặc biệt, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia đầu tàu trong nhóm là Nga và Trung Quốc đang tạo đà cho SCO đạt một vị thế lớn hơn.
Không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương, điều mang tính quyết định là Nga và Trung Quốc đạt được sự thống nhất về tăng cường hợp tác và ảnh hưởng với 4 quốc gia còn lại của tổ chức nằm ở khu vực Trung Á. Đây là khu vực có ý nghĩa địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với cả 2 nước đồng thời dồi dào nguồn dầu mỏ và khoáng sản. Từ đó để thấy rằng, những điều kiện cần và đủ đã cấu thành, cho phép SCO có thể vươn lên một bước phát triển mới.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực tế đang tạo ra cơ hội quan trọng để SCO hành động và thể hiện vai trò của mình. Lần này, người ta đặc biệt chờ đợi SCO có ý kiến chính thức về vấn đề đa dạng hoá tiền tệ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đi đầu trong nỗ lực xoá bỏ vị trí độc tôn của đồng USD. Vì sao ý kiến của SCO lại quan trọng đến vậy? Trước hết, đơn giản là bởi tổ chức này, nếu tính cả các quốc gia quan sát viên, chiếm tới một nửa dân số thế giới. Thêm vào đó, khu vực Trung Á được coi là rốn dầu quan trọng thứ hai của thế giới, chỉ sau Trung Đông. Và trong khi các quốc gia vùng Vịnh đang rậm rịch với kế hoạch đa dạng hoá tiền tệ trong giao dịch dầu mỏ, thì ý kiến của SCO sẽ là sự bổ trợ mang tính quyết định. Và một khi đã nắm trong tay nguồn dầu mỏ và tự chủ về mặt tiền tệ, chắc chắn tổ chức này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Kỳ vọng như vậy, song dĩ nhiên cũng không thể trông đợi quá nhiều vào một tổ chức có cơ cấu nhỏ chỉ gồm 6 quốc gia thành viên như SCO, nhất là khi bản thân tổ chức cũng có không ít điểm hạn chế. Sức mạnh kinh tế phát triển chưa tương xứng là điểm yếu rõ rệt nhất. Do đó không lấy làm lạ khi SCO đang đặt ưu tiên tập trung thúc đẩy thương mại- đầu tư nội khối. Thế nhưng, tổ chức này cũng đứng trước câu hỏi khó là có hay không mở rộng thêm thành viên, khi mà tất cả các nước quan sát viên là Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ đều nóng lòng gia nhập nhóm. Một khi được mở rộng, tổ chức này sẽ chiếm một nửa dân số và 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của thế giới. Chuyện mở rộng thành viên sẽ không nằm trong chương trình nghị sự chính lần này, nhưng nếu không mở rộng, tổ chức này sẽ khó có thể tụ hội đủ sức mạnh chính trị- kinh tế đủ tầm để gây ảnh hưởng lớn trên thế giới.