Vấn đề khí đốt giữa Nga và U-crai-na một lần nữa trở nên "nóng bỏng" ngay trước thềm mùa đông lạnh giá khi Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin (hôm 2-11), đề nghị Liên minh châu Âu (EU) "mở hầu bao" cho U-crai-na vay ít nhất 1 tỷ USD để thanh toán các khoản nợ tiền mua khí đốt của Nga. Đây là biện pháp nhằm tránh lặp lại một cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu như đã từng xảy ra khi dòng chảy năng lượng sang châu Âu bị ngắt quãng.
Đưa ra đề nghị này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch La-xơ Lốc-cơ Ra-xmút-xen nhân chuyến thăm Nga, Thủ tướng V.Pu-tin nhấn mạnh đây là một biện pháp cần thiết trong trường hợp Ki-ép không thể tự thanh toán các khoản nợ liên quan đến việc mua khí đốt. Thủ tướng Nga cũng khẳng định, Mát-xcơ-va đã hoàn tất nghĩa vụ của mình khi trả cho U-crai-na khoản phí chuyển khí mà Nga bán cho châu Âu qua lãnh thổ U-crai-na đến hết quý I-2010, trị giá 2,5 tỷ USD. Người đứng đầu nội các Nga cũng đưa ra cảnh báo khả năng ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu một lần nữa nếu U-crai-na không hoàn thành cam kết của nước này với Công ty Khí đốt Gazprom của Nga.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia U-crai-na, Naftogaz phải thanh toán hóa đơn khí đốt hằng tháng đúng hạn và lần trả tiền sắp tới vào ngày 7-11. Thủ tướng Nga cho rằng, EU cần đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc hỗ trợ U-crai-na, nước đang phải dựa vào các khoản trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thỏa thuận với U-crai-na về việc các nhà cho vay quốc tế sẽ cho nước này "mượn" 1,7 tỷ USD để thanh toán hóa đơn khí đốt với Nga và cải tổ ngành năng lượng. Theo đó, Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) sẽ cho Naftogaz vay 300 triệu USD để bổ sung nguồn dự trữ khí đốt cho mùa đông tới. Trong năm 2010, EBRD có thể tiếp tục "cấp" cho Naftogaz 450 triệu USD để nâng cấp hệ thống trung chuyển khí đốt. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng ý cho U-crai-na vay tối đa 500 triệu USD để hiện đại hóa lĩnh vực khí đốt, chi trả an sinh xã hội và các khoản chi chính phủ khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng vào cuộc với việc cho U-crai-na vay dài hạn 450 triệu USD để cải tạo hệ thống truyền tải khí. Chương trình hỗ trợ này giúp Ki-ép tăng cường sự ổn định và minh bạch hóa thị trường khí đốt, bảo đảm nguồn cung cấp khí cho các thành viên EU từ Nga. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho chính quốc gia này mà còn cho an ninh năng lượng châu Âu. Tuy nhiên, đến nay, U-crai-na vẫn chưa nhận được một đồng nào, cho dù đang phải "vật lộn" để đối phó với những ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bóng dáng của một cuộc xung đột khí đốt mới đã xuất hiện khi Tổng thống U-crai-na, Vích-to Y-u-sen-cô yêu cầu Chính phủ cấp bách sửa đổi hợp đồng khí đốt đã ký với Nga hồi đầu năm vì cho rằng, Ki-ép chưa có được "quan hệ hợp tác công bằng" với Mát-xcơ-va trong thương vụ này. Tổng thống Y-u-sen-cô cho rằng, giá phí chuyển khí đốt của Nga qua U-crai-na sang châu Âu như đã ký là thấp, làm Ki-ép thiệt hại ít nhất 2,5 tỷ USD mỗi năm.
Hiện 20% nhu cầu khí đốt của EU là do Nga cấp qua hệ thống đường ống dẫn xuyên lãnh thổ U-crai-na và khối này muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí đốt như hồi tháng 1. Lúc đó, Mát-xcơ-va đã ngừng chuyển khí đốt qua quốc gia láng giềng trong vòng 2 tuần do hai bên tranh chấp về giá và phương thức thanh toán, khiến hàng triệu người tại 15 quốc gia EU lao đao trong mùa đông vừa qua do không có khí đốt để sưởi ấm.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù ít có khả năng Nga sẽ lặp lại "kịch bản" này trong mùa đông năm nay vì Mát-xcơ-va đang muốn khách hàng châu Âu mua "càng nhiều càng tốt" theo đúng hợp đồng; song cũng không có gì bảo đảm rằng Crem-li không "ra tay" nếu không nhận được câu trả lời và hành động thỏa đáng từ những khách hàng liên quan và nhất là từ U-crai-na.