Tại Tô-ki-ô, sáng 14/11, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã có bài diễn văn quan trọng về chính sách đối với châu Á của Mỹ, trong đó nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Ô-ba-ma đang ở thăm Nhật Bản hai ngày, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ với Nhật Bản. Ông đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong hợp tác khu vực, đồng thời muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Về quan hệ Nhật-Mỹ, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh giữa hai nước và bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ đồng minh “bình đẳng” hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày hai nước ký Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Ông Ô-ba-ma khẳng định Oa-sinh-tơn coi quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản là “nền tảng” cho an ninh và thịnh vượng của hai nước, đồng thời nhấn mạnh không thay đổi những cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản. Về vấn đề an ninh khu vực, Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Á là "không thể thay đổi", bất chấp sự đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực của Mỹ cho các cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Đề cập đến vấn đề hạt nhân ở Đông Bắc Á, Tổng thống Ô-ba-ma kêu gọi CHDCND Triều Tiên sớm hủy bỏ các chương trình hạt nhân và tích cực giải quyết vấn đề con tin với Nhật Bản. Ông cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước hữu quan để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh rằng nếu Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa, nước này sẽ có "một tương lai về an ninh và hội nhập quốc tế".
Đối với Mi-an-ma, ông Ô-ba-ma đề nghị lãnh đạo nước này có những hành động để cải thiện quan hệ với Mỹ.
Liên quan tới vấn đề kinh tế, Tổng thống Ô-ba-ma kêu gọi châu Á đi theo đường lối tăng trưởng "cân bằng và bền vững", giúp đảm bảo đà phục hồi của toàn cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Yu-ki-ô Ha-tô-y-a-ma (Yukio Hatoyama), ông Ô-ba-ma nói rõ rằng Mỹ là một "cường quốc Thái Bình Dương" và sẽ gia tăng các cam kết của mình trong khu vực. Theo ông, "Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, xây dựng quan hệ với các đối tác mới, tham gia các nỗ lực đa phương và các thể chế khu vực nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng trong khu vực".
Theo kế hoạch, trưa 14/7, Tổng thống Ô-ba-ma tiếp kiến Nhật hoàng A-ki-hi-tô (Akihito) và Hoàng hậu Mi-chi-cô (Michiko). Chiều cùng ngày, ông Ô-ba-ma sẽ rời Nhật Bản tới Xinh-ga-po để tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 17. Sau đó, ông sẽ có các chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chuyến công du châu Á đầu tiên này của ông Ô-ba-ma được dư luận xem như một minh chứng về sự coi trọng châu Á, đặc biệt là Đông Á, trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như những thay đổi trong cách tiếp cận của Oa-sinh-tơn đối với khu vực.