EU cam kết 3,6 tỉ USD/năm cho quỹ khí hậu

17:22, 12/12/2009

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết dành 3,6 tỉ USD/năm từ 2010-2012 để giúp các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến chống lại thay đổi khí hậu, ấm nóng toàn cầu.

 

Toàn bộ 27 thành viên EU nhất trí chuyển số tiền này vào một quỹ ngắn hạn, Thủ tướng Thuỵ Điển Fredrik Reinfeldt cho biết sau những lần đàm phán khó khăn kéo dài hai ngày tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.

 

Nói về việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển tới năm 2020, ông nói, khối này sẵn sàng “đóng góp phần hợp lý” nếu các quốc gia khác cũng làm tương tự. Uỷ ban châu Âu ước tính, cần từ 7-10 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2010-2012 để các nước đang phát triển đương đầu với thay đổi khí hậu.

 

Ông Reinfeldt cho biết, EU cũng cam kết cắt giảm 20% lượng khí thải nhà kính vào 2020 so với năm 1990 và sẵn sàng nâng tỉ lệ này lên 30% nếu những nước có lượng khí thải lớn cũng đưa ra cam kết tương tự.

 

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh động thái của EU và nói rằng, quỹ khí hậu nhằm mục đích giúp các nước nghèo nhất thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ông cũng thúc giục quốc gia khác có cam kết tương tự khi nhấn mạnh, tương lai của những quốc gia này “phụ thuộc vào những hành động lập tức của chúng ta”.

 

Trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày, lãnh đạo EU còn thảo luận về các vấn đề kinh tế, tình hình tài chính và việc làm trong khối, nỗ lực giám sát thị trường tài chính…

 

Giới quan sát cho rằng, EU với mục tiêu cắt giảm 20% lượng khí thải nhà kính vào 2020 đã bị nhiều nước đang phát triển chỉ trích khi mong muốn rằng, khối này sẽ tăng mục tiêu cắt giảm lên 30 hoặc 40%.

 

Lãnh đạo EU giải thích, quan điểm về thay đổi khí hậu của khối là nhằm tăng áp lực lên những nước khác và thúc giục họ có các bước đi cụ thể để tạo nên thành công cho hội nghị khí hậu Copenhagen.

 

Anh, Pháp và Đức mỗi nước đóng góp 20% số tiền cho quỹ khí hậu. Anh cam kết dành khoảng 650 triệu USD/năm cho quỹ. Pháp và Đức, mỗi nước cam kết đóng góp 622 triệu USD/năm.

 

Số tiền sẽ chuyển vào một quỹ toàn cầu, giúp đỡ các nước đang phát triển, chủ yếu là châu Phi, thích nghi với những hậu quả của ấm nóng toàn cầu, giúp họ bảo vệ bờ biển, điều chỉnh mùa màng bị đe doạ bởi hạn hán, xây dựng hệ thống tưới tiêu, giữ gìn rừng phòng hộ, chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang hệ thống năng lượng cacbon thấp như năng lượng mặt trời, phong điện.

 

Về chính sách đối ngoại, lãnh đạo EU tuyên bố ủng hộ biện pháp cấm vận mới chống lại Iran xung quanh chương trình hạt nhân và tán thành kế hoạch điều động thêm quân của Mỹ tới Afghanistan.