Khai mạc Hội nghị Cấp cao chống biến đổi khí hậu

07:48, 08/12/2009

Hội nghị khai mạc với thông điệp “Hãy chung tay cứu lấy trái đất”, cùng phát biểu chào mừng của Thủ tướng nước chủ nhà Lars Loekke Rasmussen

 

Chiều 7/12, Hội nghị Cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã khai mạc tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), nơi các nhà đàm phán khắp thế giới sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận nhằm làm chậm quá trình tăng nhiệt độ trên Trái Đất, yếu tố có thể làm gia tăng các hiện tượng sa mạc hoá, lũ lụt và nước biển dâng cao.

 

Hội nghị khai mạc với đoạn video clip mang thông điệp “Hãy chung tay cứu lấy trái đất” của các em thiếu nhi thế giới, cùng phát biểu chào mừng của Thủ tướng nước chủ nhà Lars Loekke Rasmussen. Phát biểu trước 15.000 đại biểu của 192 nước tham dự Hội nghị, Thủ tướng Rasmussen khẳng định, Trái đất đang cần một cam kết mạnh mẽ và tham vọng về chống biến đổi khí hậu, và Hội nghị này là cơ hội mà thế giới không được phép bỏ qua.

 

Tại phiên khai mạc Hội nghị, Uỷ ban Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ghi nhận, chưa bao giờ trong 17 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu, lại có nhiều nước đưa ra các cam kết cụ thể về mức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính như Hội nghị lần này. Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy đã là quá nhiều, đây chính là thời điểm để các nước đưa ra những hành động và giải pháp cụ thể.

 

Liên Hợp Quốc cũng khẳng định, đã đến lúc các nước cần thay đổi quan niệm rằng, cắt giảm lượng khí thải cũng đồng nghĩa với việc làm chậm tăng trưởng kinh tế.

 

Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhà kinh tế học người Ấn Độ Rajendra Pachauri phân tích: “Cái gọi là sự thịnh vượng của thế giới đến năm 2030 cũng chỉ bị chậm lại vài tháng do ảnh hưởng của việc cắt giảm khí thải. Trong khi đó, cắt giảm khí thải sẽ mang lại rất nhiều lợi ích rất hiển nhiên như giảm bớt ô nhiễm không khí, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, giảm bớt chi phí y tế, bảo đảm an ninh năng lượng, tạo việc làm, phát biển nông nghiệp bền vững, và tăng cường an ninh lương thực”.

 

Khoảng 100 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới cũng sẽ tham dự Hội nghị kéo dài 12 ngày này tại Copenhagen nhằm tìm kiếm một thoả thuận thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.