NATO gửi thêm ít nhất 5.000 quân tới Afghanistan

07:13, 04/12/2009

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anders Fogh Rasmussen cho biết tổ chức này  và các nước đối tác sẵn sàng gửi thêm ít nhất 5.000 quân tới Afghanistan để hưởng ứng đề nghị của Mỹ tăng quân cho chiến trường tại quốc gia Nam Á đầy bất ổn này.

 

Tuy nhiên, ông Rasmussen không tiết lộ 5.000 binh lính liên minh này sẽ được huy động từ đâu, và bao nhiêu quân trong số đó được huy động từ châu Âu.

 

Quyết định tăng quân trên được đưa ra trong cuộc họp cấp ngoại trưởng của Hội đồng NATO diễn ra trong 2 ngày 3-4/12 tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels (Bỉ), với chủ đề chính là tình hình Afghanistan và vấn đề gửi thêm quân tới nước này.

 

Trong bối cảnh tình hình ở Afghanistan đang xấu đi do các cuộc tấn công của Taliban gia tăng, các lực lượng mới sẽ có nhiệm vụ ổn định tình hình và đẩy mạnh việc huấn luyện quân đội Afghanistan. Hiện các lực lượng quốc tế hỗ trợ an ninh ở Afghanistan (ISAF) do NATO đứng đầu có 70.000 binh sĩ.

 

Trong khuôn khổ cuộc họp, các ngoại trưởng NATO cũng thảo luận kế hoạch tiếp tục mở rộng NATO, trong đó có khả năng trao qui chế Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho Bosnia& Herzegovina.

 

Trước đó, Tổng Thư ký NATO cho biết tại Brussels cũng sẽ diễn ra các cuộc họp cấp bộ trưởng Hội đồng NATO-Ukraine và NATO-Gruzia thảo luận về triển vọng hai nước này gia nhập NATO, tuy nhiên, sẽ không đề cập đến việc trao qui chế MAP cho hai quốc gia này.

 

Trước khi NATO quyết định tăng thêm quân đến Afghanistan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan, trong đó có kế hoạch gửi thêm 30.000 quân tới chiến trường này.

 

Ngày 2/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch mới của Mỹ đối với cuộc chiến Afghanistan, cho rằng đây là một nỗ lực cân bằng nhằm đạt được sự ổn định ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

 

Tổng Thư ký  Ban Ki-moon nói ông đánh giá cao việc Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi sự cân bằng giữa các nỗ lực quân sự và dân sự, cũng như việc ưu tiên củng cố thể chế nhà nước và các lực lượng an ninh của Afghanistan.

 

Ông Ban Ki-moon khẳng định Liên hợp quốc vẫn duy trì cam kết giúp đỡ Afghanistan đạt được hòa bình, ổn định và phát triển thông qua việc chuyển giao nhằm tăng cường vai trò quản lý, lãnh đạo và trách nhiệm của Afghanistan.

 

Các đồng minh châu Âu cũng lên tiếng hoan nghênh chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Obama ở Afghanistan, song hầu như chưa đưa ra cam kết cụ thể về việc góp thêm quân. Phản ứng của hầu hết các nước châu Âu là tập trung vào sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp chính trị, đồng thời nâng cấp lực lượng cảnh sát và quân đội của chính Afghanistan.

 

Cũng trong ngày 2/12, Bộ Ngoại giao Nga ca ngợi chiến lược của ông Obama là "tích cực" và kêu gọi quốc tế hợp tác để đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan và nạn buôn lậu ma túy.

 

Trong khi đó, Taliban đã chỉ trích chiến lược mới của ông Obama ở Afghanistan, tuyên bố chiến lược này sẽ chỉ khiến lính Mỹ bị thương vong nhiều hơn. Theo Taliban, chiến lược của Chính quyền Obama "không phải là giải pháp cho các vấn đề ở Afghanistan", mà ngược lại nó sẽ tạo cơ hội để các phần tử nổi dậy "phát động thêm nhiều cuộc tấn công và làm chao đảo nền kinh tế Mỹ, vốn đang bị khủng hoảng".

 

Ông Obama đặt ra thời hạn dự kiến rút quân vào tháng 7/2011 để xoa dịu người dân Afghanistan trước các hoạt động tăng quân và để giảm bớt sự phản đối của dân chúng Mỹ đối với cuộc chiến này. Tuy nhiên, tuyên bố của Taliban khẳng định "toan tính này sẽ không thành công"