2010 – Năm đại hạ giá nhiều đồng tiền

07:56, 22/01/2010

Theo chuyên gia tài chính - tiền tệ Pháp Marc Fiorentino thuộc mạng tư vấn đầu tư tài chính Allofinance.com, năm 2010 sẽ là năm mà nhiều đồng tiền của các quốc gia sẽ thi nhau xuống giá.

 

Theo Marc Fiorentino, thông thường tháng Giêng là mùa xuống giá của các mặt hàng và hàng dệt may luôn đứng hàng đầu về mức độ xuống giá. Nhưng năm nay sẽ có bất ngờ lớn và vị trí này sẽ thuộc về thị trường hối đoái. Quốc gia nào cũng muốn đưa ra một mức giá "khuyến mại" kỷ lục cho đồng tiền của họ, tạo nên một phong trào "Hạ giá cạnh tranh".

 

Chuyên gia Marc Fiorentino cho rằng, do nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự bứt lên, nên nhiều nước đặc biệt lo ngại cho sức tiêu thụ trong nước. Không ai muốn chi tiêu, tất cả mọi người chỉ muốn tiết kiệm. Ngay cả các “chú ve sầu” Mỹ giờ cũng đã trở thành những “chú kiến xanh” chăm chỉ tích lũy lương thực phòng khi giáp hạt.

 

Xu hướng này khiến cho các quốc gia không thể dựa vào tiêu thụ trong nước để phục hồi nền kinh tế, mặc dù các chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ USD cho các gói kích thích kinh tế lớn. Bài học kinh tế đầu tiên mà chúng ta học ở giảng đường, đó là tăng trưởng chỉ có thể phát triển dựa trên ba động lực: tiêu thụ (hiện khá trì trệ), đầu tư (giờ cũng khó vì các doanh nghiệp rất cân nhắc khi bỏ tiền đầu tư trong một môi trường bất ổn như hiện nay) và xuất khẩu.

 

Marc Fiorentino cho rằng để xuất khẩu hiệu quả, có lẽ tốt nhất theo gương Trung Quốc. Năm 2009, quốc gia này đã vươn lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu, vượt qua cả Đức. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã không ngại ngần, thậm chí công khai áp dụng chính sách kìm giá đồng nhân dân tệ (NDT). Từ nhiều năm nay, đồng NDT được định giá thấp 30-50% so với giá trị thực của nó. Nhưng thật nực cười ở chỗ không ai thực sự phản đối. Thỉnh thoảng, Mỹ có "trợn mắt, khoa tay", nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Đến năm 2010, có vẻ như tất cả các nước cũng sẽ theo gương Trung Quốc.

 

Người Nhật Bản, do quá mệt mỏi với "sự cao giá" của đồng Yên và muốn giành lại các thị trường xuất khẩu, đã tuyên bố sẽ hạ thấp giá đồng tiền này. Người Mỹ cũng đang mong hạ giá thêm nữa đồng USD để khôi phục lại cỗ máy kinh tế khổng lồ của mình, nên họ đã không hề than vãn một lời khi đồng USD sụt giá. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ trong tuần này cũng cho biết sẽ can thiệp để giảm giá đồng franc Thụy Sĩ.

 

Một vấn đề nảy sinh là trên thị trường ngoại hối là khi đồng tiền này giảm có nghĩa là một đồng khác tăng. Do vậy, cần phải tìm ra một nước hoặc một khu vực để làm "chim mồi", tức là chấp nhận đồng tiền của mình sẽ bị đẩy lên để tiền các nước khác giảm xuống.

 

Các nhà đầu cơ phải tìm kiếm một ngoại tệ mạnh để mua và đẩy giá tăng lên, tìm một quốc gia hay khu vực không có khả năng ngăn chặn sự gia tăng này. Đó phải là khu vực kinh tế không có Bộ trưởng Tài chính, không có chính sách trao đổi tiền tệ và ngân hàng trung ương hầu như không bao giờ có thể can thiệp được vào thị trường ngoại hối.

 

Liên minh châu Âu (EU) chính là con "chim mồi" được lựa chọn và đây là lý do giải thích tại sao tuần này đồng Euro đã chạm mức cao nhất trong một tháng qua, bất chấp những tin tức đáng buồn về nợ của Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và sự tăng trưởng ảm đạm đáng ngạc nhiên của Đức trong quý IV/2009.

 

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, châu Âu sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với một năm bất ổn về giá trị các đồng tiền. Trong ngắn hạn, EU có thể sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để giữ giá đồng Euro, nhưng về lâu dài khu vực này khó có thể chịu được làn sóng phá giá đồng tiền quy mô quốc tế, dẫn đến khả năng giá đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng vọt.

 

Đây sẽ là "thảm họa" đối với tăng trưởng kinh tế trong khu vực, khiến EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đau đầu mà chưa tìm ra thuốc trị.