Châu Á thấp thỏm chờ sóng thần

08:09, 28/02/2010

Một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với sóng thần sau khi một trận động đất dữ dội xảy ra ở Chile.

 

Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã thông báo với hàng chục quần đảo xa bờ và các đảo san hô về khả năng xảy ra “thiệt hại trên diện rộng” do sóng thần gây ra sau cơn địa chấn mạnh tới 8,8 độ Richter ở Chile.

 

“Thống kê mực nước biển cho thấy rõ một cơn sóng thần đang dần được hình thành và có thể gây thiệt hại trên diện rộng,” trung tâm ở Hawaii thông báo. “Giới chức cần có những hành động thiết thực để đối phó với thảm họa này”.

 

Dù nằm cách xa khu vực động đất, nhưng các quốc gia như New Zealand, Australia, Nhật, Philippines và các quần đảo trong khu vực biển Thái Bình Dương như Tonga và Samoa đang bị đặt trong tình trạng nguy hiểm.

 

Đảo Robinson Crusoe của Chile dù cách đất liền đến 700km nhưng cũng vừa gánh chịu một cơn sóng rất lớn sau trận động đất. Trong khi đó, Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã thông báo sơ tán một phần dân cư ở đảo Phục sinh.

 

New Zealand cũng cảnh báo về một đợt sóng cao 3m có khả năng sẽ tràn vào các hòn đảo và một phấn của đảo phía nam khi Trung Tâm Xử Lý Thảm Họa quốc gia của nước này được đặt trong tình trạng báo động. Bộ Quốc phòng New Zealand cho hay sóng thần có thể đánh vào biển phía đông của họ vào lúc 7h05 sáng (1h05 sáng mai giờ Hà Nội).

 

Trung tâm cảnh báo sóng thần của Australia cũng cho rằng có “khả năng xảy ra những đợt sóng nguy hiểm, dòng chảy mạnh và lụt lội” ở khu vực dọc bờ biển giữa SydneyBrisbane.

 

Các quan chức Philipines thì đã bắt đầu lên kế hoạch về việc sơ tán. “Chưa có lệnh sơ tán nào được đưa ra nhưng cộng đồng dân cư ở bờ biển phía đông đất nước được yêu cầu đợi các thông báo tiếp theo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khả năng di tản. Khu vực ven biển Thái Bình Dương thì được yêu cầu tiếp tục theo dõi”, viện nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philipines thông báo.

 

Jake Phillips, chuyên gia dự báo thời tiết của Nha khí tượng ở Australia, trấn an dân chúng về khả năng lụt lội có thể xảy ra ở khu vực đông dân cư tại vùng duyên hải nước này. “Tuy nhiên, những tàu thuyền đánh cá ngoài khơi có thể đương đầu với nhiều nguy cơ”, ông nói.

 

Các cư dân ven biển Australia được khuyến cáo nên tránh xa bờ biển, tàu thuyền nào đang ở ngoài khơi lập tức phải về cảng và neo lại chặt chẽ.

 

Ký ức đáng buồn vẫn chưa phai nhòa ở Samoa. Hồi tháng 9, những người dân Samoa và Tonga đã phải hứng chịu một cơn sóng thần khủng khiếp, quét sạch toàn bộ các ngôi làng và làm 184 người thiệt mạng.

 

Chỉ một tuần sau, hàng nghìn người đã phải sơ tán khỏi các khu vực ven biển Nam Thái Bình Dương sau một loạt những cơn động đất mạnh ở Vanuatu. Khu vực “vành đai lửa” Thái Bình Dương thường xuyên bị các cơn địa chấn mạnh tấn công.

 

Những cảnh báo mới nhất khiến người ta nhớ đợt sóng thần 2004 làm 220.000 người chết quanh khu vực Ấn Độ Dương. Vụ việc xảy ra ở bên kia của châu Á song các quốc gia ở Thái Bình Dương cùng với Mỹ cũng tăng cường công tác chuẩn bị của họ cho khả năng xảy ra sóng thần thông qua hệ thống cảnh báo.

Nếu sóng thần xuất hiện, nó sẽ tới bờ biển phía đông của Nhật Bản vào trưa ngày mai.

 

“Chúng tôi mong mọi người luôn chú ý theo dõi thông tin liên quan”, Yasuo Sekita – một quan chức nước này – nói trong buổi họp báo khẩn cấp. Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama yêu cầu chính phủ sẵn sàng công tác cứu trợ.

 

Hiện chưa có cảnh báo gì về sóng thần được đưa ra ở Indonesia và Đài Loan, nhưng các quan chức cho biết họ vẫn đang theo dõi sát sao.