Quan hệ Iran và phương Tây tiếp tục căng thẳng

08:18, 10/02/2010

Các nước phương Tây đang siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

 

Ngày 9/2, Iran bắt đầu triển khai kế hoạch làm giàu uranium, với mức độ tinh khiết lên tới 20%. Quyết định này đang khiến mối quan hệ căng thẳng giữa các nước phương Tây và Iran bấy lâu nay càng trở nên nóng bỏng, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang dự định siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hoà Hồi giáo này.

 

Ngày 8/2, phát biểu trên kênh truyền hình tiếng Arab Al Alam, Đặc phái viên của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Ali Asghar Soltanieh cho biết, Iran chính thức thông báo cho IAEA kế hoạch làm giàu uranium tới mức 20% để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này.

 

Trước đó, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Salehi thông báo, Iran bắt đầu quá trình làm giàu uranium tại Nhà máy hạt nhân Natanz, tại miền Trung Iran từ ngày 9/2. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ được dừng lại, nếu quá trình đàm phán lâu dài với các cường quốc về một thoả thuận hạt nhân đi đến hồi kết. Theo ông Salehi, Iran cũng có kế hoạch xây dựng 10 cơ sở làm giàu uranium trong năm tới, bắt đầu từ ngày 21/3/2010.

 

Ngay lập tức, các nước phương Tây đã phản ứng gay gắt trước quyết định này của Iran. Phát biểu với báo chí tại thủ đô Paris – Pháp ngày 8/2, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin cho biết, Pháp và Mỹ có chung quan điểm về vấn đề hạt nhân của Iran. Ông Morin cho rằng, cần tiến hành đối thoại với cộng đồng quốc tế về những lệnh trừng phạt mới, nếu Iran không ngừng chương trình làm giàu hạt nhân của nước này.

 

Cùng ngày, phát biểu với báo chí sau cuộc hội kiến Tổng thống Pháp Sarkozy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định, việc gây áp lực để buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran chính là cách để ngăn chặn nước này sở hữu các loại vũ khí hạt nhân.

 

Bộ Ngoại giao Anh cho rằng, kế hoạch làm giàu uranium tới mức 20% của Iran rõ ràng là vấn đề nghiêm trọng.

 

Còn Chính phủ Đức xem quyết định của Iran là dấu hiệu rõ hơn về thái độ bất hợp tác của Chính quyền Iran. Đức một lần nữa kêu gọi siết chặt các biện pháp cấm vận Iran.

 

Từ Canberra, Ngoại trưởng Australia Stephen Smith gọi đây là một sự khiêu khích, thách thức lòng kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế và hối thúc Iran ngừng ngay chương trình làm giàu uranium.

 

Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Iran thực thi thỏa thuận gửi uranium của nước này ra nước ngoài làm giàu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, lối thoát cho tình thế hiện nay là Iran phải thực thi thỏa thuận đạt được tại Genève, Thuỵ Sỹ ngày 1/10/2009.

 

Phát biểu trước các thành viên lực lượng không quân Iran ngày 8/2, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, Iran sẽ tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 31 ngày nổ ra cuộc Cách mạng Hồi giáo (11/02/1979 - 11/02/2010) và với tinh thần đoàn kết của mình, đất nước Iran sẽ giáng những đòn mạnh mẽ vào tính kiêu ngạo của các cường quốc phương Tây.

 

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Đại giáo chủ Ali Khamenei chẳng khác nào hành động đổ thêm dầu vào lửa./.