Bắc cực lại “nóng”

08:29, 21/03/2010

Vấn đề chủ quyền Bắc cực lại hâm nóng thế giới vào kỳ nghỉ cuối tuần này khi Canađa và Na Uy cùng phản đối tuyên bố của Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép cho rằng các nước trong khu vực đang mưu toan hạn chế Mátxcơva tiếp cận việc thăm dò và khai thác tài nguyên ở khu vực mà trước đây người ta tưởng chừng mãi "ngủ yên" dưới lớp băng dày vĩnh cửu.

 

Phản ứng của Ốttaoa và Ôxlô được đưa ra ngay trước thềm hội nghị cấp ngoại trưởng 5 quốc gia giáp Bắc cực (Nga, Mỹ, Canađa, Na uy, Đan Mạch) dự kiến diễn ra trong vòng 2 tuần tới tại Canađa, cho thấy độ quyết liệt của cuộc tranh giành ảnh hưởng tại vùng cực lạnh giá này. Thậm chí, có ý kiến lo ngại căng thẳng tại Bắc cực có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới trong thế kỷ XXI.

 

 

Tốc độ tan băng nhanh do trái đất ấm dần lên đang tạo ra cuộc tranh giành quyền khai thác tài nguyên ở Bắc cực.

 

Cùng với sự ấm lên của khí hậu toàn cầu, băng ở Bắc Băng Dương cũng bắt đầu tan, nguồn tài nguyên tiềm tàng của Bắc cực cũng như các kênh thương mại lớn đang chuyển thành những lợi ích thực tế. Đây là lý do khiến miền cực Bắc của thế giới đã chuyển từ "kỷ nguyên nghiên cứu khoa học" thành "kỷ nguyên của tranh chấp về quyền lực cũng như quyền lợi". Theo các nhà kinh tế thế giới, năng lượng dự trữ tiềm ẩn của Bắc cực là rất lớn, với dầu thô khoảng từ 100 tỷ đến 200 tỷ thùng, tức vào khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Lượng khí thiên nhiên ở đây cũng rất dồi dào, khoảng từ 50.000 tỷ đến 80.000 tỷ mét khối. Vì thế "biệt danh" là "Trung Đông thứ hai" đang ngày càng trở thành "thương hiệu" của Bắc cực. Trong bối cảnh năng lượng trở thành một bộ phận cấu thành của an ninh toàn cầu thì thật dễ hiểu vì sao các quốc gia gắn với vùng giá lạnh này lại lao vào cuộc đua giành chủ quyền vùng cực để chính thức sở hữu các mỏ vàng đen quý giá cũng như các tài nguyên khác.

 

Ngoài ra, nếu Bắc cực tan băng với tốc độ hiện nay thì trong 10 năm tới khu vực này sẽ mở ra những con đường hàng hải cực kỳ chiến lược, thậm chí có thể trở thành một hành lang kinh tế mới của thế giới.

 

Trên thực tế từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải châu Âu đã muốn khơi thông tuyến đường chiến lược từ Bắc Băng Dương như một "con kênh" thông suốt để tiếp cận phương Đông, nhưng vì nhiều lý do mà thời điểm đó không thể thực hiện. Đến nay, ý tưởng này của các nhà hàng hải tiên phong đã trở thành tham vọng của "lục địa già" và rất có cơ thành hiện thực nhờ vào các tiến bộ khoa học suốt 4 thế kỷ qua. Nếu được như vậy, tuyến đường vận chuyển trên biển của các nước tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á sẽ được rút ngắn đáng kể và qua đó làm thay đổi cả cục diện thương mại thế giới; đồng thời sẽ tác động không nhỏ đến tổng thể nền kinh tế toàn cầu cũng như bức tranh địa - chính trị của thế giới và khu vực.

 

Theo luật quốc tế, 5 nước có thềm lục địa dính liền với Bắc cực nói trên được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cách bờ biển của mình 370km (200 hải lý) gọi là đặc khu kinh tế. Vùng này có thể được mở rộng tới nơi mà quốc gia đó chứng minh được cấu trúc thềm lục địa là cấu trúc địa chất trong lãnh thổ của nước đó với tên gọi: thềm lục địa kéo dài. Tuy nhiên, hương vị của "miếng bánh" Bắc cực hấp dẫn đến mức các văn bản pháp luật chưa chắc đã có thể ngăn chặn được các quốc gia ôm tham vọng trở thành bá chủ tại phần băng giá này của thế giới.

 

Thời gian gần đây, các nước đòi "chủ quyền" ngày một nhiều với vùng nước của "những đêm trắng".

 

Nga là một trong những quốc gia đi đầu với việc tăng cường các cơ quan quân sự để bảo vệ chủ quyền Bắc cực. Trong khi đó, Canađa bày tỏ quyết tâm bắt tay với quốc gia hàng hải là Anh để cùng xây dựng đường ống khí đốt nhằm nhanh nhất có thể đưa tài nguyên từ Bắc cực ra thị trường quốc tế. Đan Mạch và Na Uy cũng không ngồi yên khi khẳng định sẽ không dễ dàng từ bỏ cơ hội vàng tại vùng cực...

 

Lo ngại lớn nhất hiện nay đang nổi lên là các tổ chức quân sự cũng như đồng minh của các quốc gia vùng cực sẽ dường như khó có thể không bị cuốn vào cuộc tranh chấp vùng băng giá khiến hòa bình thế giới thêm một lần nữa có cơ lâm nguy.